Giúp nhau vượt qua gian khó
Những ngày gần 30-4 lịch sử, chúng tôi đến khu dân cư mới tại ấp Đồng Tranh 1, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM. Những căn nhà lụp xụp ngày xưa - mà chúng tôi nghe qua lời kể, nay đã được thay bằng những ngôi nhà xây tường gạch khang trang. Nhanh tay làm cho khách mấy ly nước mía, bà Phan Thu Giàu (ngụ ấp Đồng Tranh 1) kể lại câu chuyện thoát nghèo của gia đình mình nơi xã biển.

Bà Giàu quê ở huyện Gò Công (tỉnh Tiền Giang), khoảng 20 năm trước, bà lập gia đình rồi theo chồng về sống ở huyện Cần Giờ. Đang lúc không biết làm gì kiếm sống, bà được cán bộ xã, hội phụ nữ thường xuyên đến nhà động viên, giúp đỡ, chỉ cách làm con hàu, làm cá thuê để kiếm tiền trang trải. Chồng bà cũng được những người hàng xóm rủ đi làm nghề biển. Đến năm 2019, thấy gia đình quá khó khăn, địa phương hỗ trợ thêm phương tiện sinh kế là một xe bán nước giải khát và một chiếc xuồng máy. Từ đó, đời sống gia đình bà dần dần ổn định.
Khi đại dịch Covid-19 ập đến (năm 2020), bà Giàu là một trong những người tích cực cùng với cán bộ ấp, xã phân phát lương thực, hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con… Bà cũng là hội viên tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và là Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Đồng Tranh 1. Dịch bệnh qua đi, bà Giàu thường xuyên tổ chức các chương trình hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đến từng nhà động viên, giúp đỡ, định hướng nhiều chị em vươn lên thoát nghèo.
Rời nhà bà Giàu, chúng tôi đến thăm bà Triệu Thị Mai (cựu chiến binh), ở khu phố 4, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TPHCM. Thấy khách đến, bà Mai vui vẻ dẫn đi thăm căn nhà mới được sửa chữa, nâng cấp với chi phí hơn 60 triệu đồng. Điều đáng quý là phần lớn số tiền sửa chữa nhà cho bà Mai đến từ nguồn quỹ hỗ trợ của câu lạc bộ những cựu chiến binh.
Căn nhà của bà Triệu Thị Mai hay phương tiện sinh kế của gia đình bà Phan Thu Giàu là kết quả của nhiều phong trào (đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo...) được TPHCM duy trì hàng chục năm qua; đã và đang tiếp tục lan tỏa, viết tiếp những câu chuyện nghĩa tình của thành phố được mang tên Bác Hồ.
Sau ngày 30-4-1975, số hộ nghèo ở TPHCM chiếm hơn 30% dân số. Đầu năm 1992, thành phố khởi xướng chương trình Xóa đói giảm nghèo (nay là chương trình Giảm nghèo bền vững) tập trung hoàn thiện 3 việc lớn: trợ vốn cho hộ nghèo; hướng dẫn các hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lập các tổ sản xuất thủ công, dịch vụ; có chính sách ưu đãi người nghèo học nghề. Đến nay, TPHCM cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm hộ nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Lòng nhân ái nhân lên mỗi ngày
TPHCM đã, đang là nơi tiên phong của nhiều phong trào, chương trình, hành động mang nghĩa cử cao đẹp. Thành phố này mãi không thể quên những ngày căng mình chống dịch Covid-19; đau thương, mất mát, nước mắt ngập tràn nhiều ngôi nhà, hẻm phố. Thời điểm ấy, đội hình tình nguyện viên văn nghệ sĩ TPHCM đã không quản sức khỏe, tính mạng cùng thành phố chung tay phòng chống dịch bằng những việc làm thiết thực như: đóng góp vào Quỹ vaccine Covid-19; chăm lo cho người dân khu vực cách ly, phong tỏa; vận chuyển hàng hóa đến các điểm chống dịch và khu cách ly; đi siêu thị giúp người dân bị giãn cách; sáng tác những tác phẩm nghệ thuật cổ vũ, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch, động viên bà con…
Thống kê chưa đầy đủ, có hơn 120 nghệ sĩ đã miệt mài đến những nơi cần bàn tay tình nguyện, giữ vững ngọn lửa “sẽ đi cho đến khi TPHCM hết dịch”. Tạm xa sàn diễn, sân khấu, họ dành trọn tâm huyết mang lại những điều tích cực cho cộng đồng. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chia sẻ: “Những ngày đó, thành phố dù nhiều khó khăn những vẫn luôn giữ vững niềm tin và người dân dành cho nhau thật nhiều chia sẻ. Nơi thành phố mình, tôi thấy một điều rất rõ ràng, đó là những điều tốt đẹp, nghĩa cử nhân ái được nhân lên, lan tỏa thêm mỗi ngày”.
Cuối năm 2024, người dân TPHCM đồng lòng cùng cả nước hướng về đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng do bão số 3 (bão Yagi). Các văn nghệ sĩ, các đơn vị, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân đau theo nỗi đau của đồng bào, cùng hướng tấm lòng mình về phía người dân miền Bắc với những đóng góp thiết thực, ý nghĩa bằng rất nhiều hành động ấm lòng.
PGS-TS Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM, khẳng định, nghĩa tình là một trong những nét đặc trưng nổi bật của TPHCM. Nghĩa tình chính là giá trị cốt lõi giúp thành phố hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Điều này được minh chứng qua các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, xóa đói giảm nghèo... đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người dân thành phố; các chương trình chỉnh trang đô thị, giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch ô nhiễm, tổ chức lại cuộc sống của người dân trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Tân Hóa - Lò Gốm... để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp về chăm lo cho người nghèo; hay các phong trào xã hội được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời điểm dịch Covid-19 như: “Cây ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”... Những hoạt động này không chỉ giúp hỗ trợ người nghèo mà còn lan tỏa tinh thần sẻ chia, góp phần xây dựng thành phố trở thành biểu tượng của sự đoàn kết và nhân ái.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thành Trung, TPHCM luôn dành nguồn lực để hồi đáp, hỗ trợ các tỉnh còn khó khăn, tỉnh miền núi, vùng biên giới, hải đảo. Nhiều người dân, doanh nghiệp thông qua Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc”, nay là Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” thành phố, đã có nhiều đóng góp hướng về biên giới, biển đảo của Việt Nam.
Xây dựng chính sách riêng chăm lo, hỗ trợ người có công
TPHCM đang quản lý hơn 279.000 hồ sơ người có công, trong đó chi trả trợ cấp hàng tháng cho 34.746 lượt người có công với kinh phí hơn 73 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương, TPHCM cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng để chăm lo, hỗ trợ người có công với cách mạng. Thành phố đã vận động hơn 188 tỷ đồng xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách; đảm bảo tất cả mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng.
Đồng chí NGUYỄN VĂN ĐƯỢC, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM (phát biểu tại hội thảo khoa học “TPHCM - Thành tựu 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển”, do TPHCM tổ chức ngày 25-3-2025):
Vun đắp truyền thống đoàn kết, nghĩa tình
Sự đoàn kết, đồng lòng trong Đảng, trong dân và trong toàn xã hội là một yếu tố hết sức quan trọng để đóng góp cho sự thành công của TPHCM trong 50 năm qua. Có thể khẳng định TPHCM là nơi khởi nguồn của nhiều chính sách, đặc biệt chính sách về kinh tế thị trường, an sinh xã hội. Sự chủ động, năng động, sáng tạo, nghĩa tình là đặc sản của thành phố, của con người thành phố.
Trong quá trình phát triển, các hoạt động an sinh và phúc lợi xã hội luôn song hành với hoạt động phát triển kinh tế. Các chính sách chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội đặt lợi ích của nhân dân là trên hết, trước hết, vì mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt là không ngừng vun đắp truyền thống đoàn kết, nghĩa tình trong cộng đồng xã hội, nhất là trong đại dịch Covid-19 khốc liệt.
Hệ thống các chính sách xã hội về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công, các thụ hưởng về văn hóa, y tế, giáo dục... ngày càng đồng bộ và hoàn thiện. Hàng năm, thành phố giải quyết cho trên 140.000 việc làm cho người lao động, đưa tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và luôn hoàn thành trước các chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố đề ra.