Từ Khu chế xuất Tân Thuận…
Ngày nay, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng tráng lệ là khu đô thị mới kiểu mẫu, biểu tượng cho sự thịnh vượng. Cạnh đó là Khu chế xuất Tân Thuận nhộn nhịp, mỗi năm đóng góp vài tỷ USD cho xuất khẩu. Đại lộ Nguyễn Văn Linh rộng 120m với 10 làn xe nối liền các cảng biển, khu chế xuất, khu đô thị… Tất cả như một biểu trưng phát triển mạnh mẽ của khu vực phía Nam thành phố. Nhưng 30 năm trước, khu vực này gọi chung là Nhà Bè, vẫn là vùng đầm lầy hoang vu.
“Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đặt chân đến Nhà Bè vào những năm cuối của thập niên 1980. Men theo con đường nhỏ xuống xã Tân Thuận Đông, tôi thấy những ngôi nhà cấp 4 lưa thưa giữa bốn bề đồng ruộng. Các xóm nhỏ sâu bên trong thì không có điện và nước sạch. Trông qua vùng đất hoang hóa, chua phèn đất đai bạc màu này, ít ai nghĩ nơi đây có thể xây dựng một khu đô thị tươi sáng. Nhưng tôi nhận định vùng này nằm ngay bên cảng Tân Thuận, một vị trí quá thuận lợi để làm khu chế xuất. Mặt khác, nếu xây dựng khu chế xuất ở đây thì sẽ tạo công ăn việc làm cho đông đảo người lao động nghèo từ quận 4, quận 8 và Bình Chánh…”, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng trải lòng trong cuốn hồi ký của mình.
Vị chuyên gia kinh tế này chính là người đã góp công khởi xướng nên câu chuyện của khu Nam Sài Gòn, vào năm 1989. Khi ấy, ông là Giám đốc Liên hiệp sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu quận 5 - Cholimex, đã đề xuất xây dựng khu chế xuất đầu tiên của cả nước tại TPHCM. Có sự kiện ấy là khi năm 1988, Luật thu hút đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành, lãnh đạo TPHCM chỉ thị cho các công ty và sở, ngành đề xuất các đề án thu hút đầu tư nước ngoài vào thành phố.
Thời điểm này, nếu xây dựng khu công nghiệp thì việc sản xuất, bán hàng sẽ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp quốc doanh - vốn đang được Nhà nước bao cấp, sẽ khiến các doanh nghiệp này phá sản vì năng suất thấp hơn. Nhưng nếu xây dựng khu chế xuất, thì nhà đầu tư chỉ đến Việt Nam thuê đất, thuê nhà xưởng, lao động, sản phẩm làm ra chỉ được bán đi nước ngoài, như thế sẽ không tạo áp lực cho nền công nghiệp trong nước. Đề án sau đó được Hội đồng Bộ trưởng cho phép làm thí điểm.
Nhiều phương án vị trí được đưa ra, như khu gần Tân Cảng hay Cát Lái. Nhưng cuối cùng, ông Phan Chánh Dưỡng đã chọn vùng đất Nhà Bè. Một nhân duyên tình cờ đã khiến ông tìm được nhà đầu tư là Công ty CT&D của Đài Loan cùng bắt tay xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận.
Điều khó khăn lớn nhất chính là nền đất yếu của khu vực Nhà Bè, khiến không ít ý kiến hoang mang. Qua nhiều nghiên cứu, từ lịch sử khẩn hoang cho tới các ý kiến chuyên ngành về xây dựng, ông Phan Chánh Dưỡng tìm được cách lấy cát từ sông Soài Rạp để san lấp, bồi đắp vùng sình lầy với giá thành rẻ hơn nhiều so với lấy đất đỏ từ Biên Hòa.
Trải qua những gian nan ban đầu, cả những hoài nghi, ngăn trở, cuối cùng Khu chế xuất Tân Thuận cũng thành hình. Được thành lập vào năm 1991, đến nay, Khu chế xuất Tân Thuận có hơn 250 nhà đầu tư đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo việc làm cho hơn 70.000 lao động, xuất khẩu mỗi năm hơn 2 tỷ USD.
Từ khu chế xuất đầu tiên này, cho đến nay đã lan tỏa ra gần 400 khu chế xuất, khu công nghiệp trên quy mô cả nước. Ở quy mô TPHCM, một chuỗi liên hoàn khu chế xuất, khu công nghiệp cũng được nối tiếp nhau hình thành sau đó, tạo ra giá trị kinh tế, đóng góp không nhỏ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TPHCM, làm thay đổi đời sống người dân cả một vùng rộng lớn.
Hành trình phát triển khu Nam Sài Gòn, tiếp bước những người đi trước vẫn còn tiếp tục. Từ nền tảng mà những người đi trước đặt nền móng, khu Nam Sài Gòn hôm nay đang mở ra nhiều cơ hội mới, trong đó có các dự án đô thị thông minh, khu công nghệ cao và các trung tâm thương mại, tài chính hiện đại. Sự chuyển mình mạnh mẽ này không chỉ tạo thêm động lực phát triển cho TPHCM, mà còn góp phần lan tỏa mô hình thành công ra các vùng lân cận như Long An, Tiền Giang, góp phần định hình lại bức tranh phát triển kinh tế khu vực phía Nam.
Khi nhìn lại, từ những vùng đất sình lầy từng bị hoài nghi, khu Nam Sài Gòn ngày nay đã trở thành biểu tượng cho khát vọng đổi mới, sáng tạo và tinh thần không ngừng vươn lên của người Việt. Câu chuyện “biến đầm lầy thành đô thị phồn vinh” sẽ mãi là niềm cảm hứng cho các thế hệ sau trên hành trình kiến tạo những miền đất hứa tiếp theo.
…đến Khu đô thị Phú Mỹ Hưng
Khi tìm lại tư liệu về Phú Mỹ Hưng, chúng tôi thấy hình ảnh ông Lawrence S. Ting - doanh nhân người Đài Loan, người gắn liền với sự phát triển khu Nam Sài Gòn, thường được biết đến tại Việt Nam với tên gọi Đinh Thiện Lý. Chính ông Lawrence S. Ting là người đã chủ động góp phần đề xuất dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và thực hiện một cách kiên trì.
Giờ đây, xem lại những thước phim lội sình lầy giữa cánh đồng bạt ngàn lau sậy, càng thấy nể phục hơn tầm nhìn và ý chí sắt đá của những con người quyết tâm xây dựng Phú Mỹ Hưng ngày ấy. Bởi thực tế có rất nhiều nhà đầu tư, thậm chí đã ký cả biên bản ghi nhớ, nhưng khi nhìn thấy cánh đồng sình lầy như vậy đều lắc đầu bỏ đi.

Khởi công từ năm 1996, đến năm 2007, đại lộ Nguyễn Văn Linh, do Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư, đã hoàn thành, kết nối khu Nam Sài Gòn với những công trình lớn như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng... Đây cũng là tuyến giao thông huyết mạch từ khu Nam của thành phố đi về các tỉnh miền Tây Nam bộ, là tuyến đường có độ rộng và cảnh quan đẹp nhất nhì cả nước.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng vào năm 2008 được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước nhờ quy hoạch đồng bộ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội hoàn chỉnh; không gian sống hiện đại, bền vững và tiện ích.
Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, rồi cụm dự án tại Hiệp Phước, đại lộ Nguyễn Văn Linh… đã giúp hình hài của khu Nam Sài Gòn dần dần hiện rõ. Hình hài của những công trình, mô hình kinh tế nổi bật của TPHCM đã được dựng xây nên từ bàn tay khối óc và tấm lòng nhiệt thành yêu nước của bao người.
Kỳ tích kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Nhắc đến quá khứ của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cụ Nguyễn Văn Thành (72 tuổi, sống tại đường Hoàng Sa, quận 3, TPHCM) không khỏi rùng mình: “Hồi đó, kênh bẩn lắm, nước thì đen, mùi hôi nồng nặc cả ngày lẫn đêm. Chuột, muỗi nhiều vô kể, ai sống gần kênh cũng mắc bệnh ho hen, ghẻ lở. Mỗi khi trời mưa, nước dâng lên, rác thải theo dòng nước tràn cả vào nhà...”.
Giữa những năm 2000, TPHCM quyết định thực hiện một dự án cải tạo kênh quy mô lớn. Những căn nhà “ổ chuột” lần lượt được giải tỏa, dòng kênh được nạo vét, nước thải được xử lý, hệ thống thoát nước hiện đại được xây dựng. Ban đầu, nhiều người còn hoài nghi, không tin rằng một dòng kênh ô nhiễm lâu năm như vậy có thể hồi sinh.
Nhưng sau hơn một thập niên cải tạo, một phép màu đã thực sự xảy ra: kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dần trong xanh trở lại, hai bên bờ trở thành những con đường thoáng đãng, rợp bóng cây xanh. Không chỉ cải thiện môi trường sống, sự hồi sinh của kênh còn mang đến cơ hội kinh tế cho người dân. Các quán cà phê, nhà hàng, dịch vụ du thuyền phát triển, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước...
Hành trình hồi sinh dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một kỳ tích. Nó chứng minh rằng, dù khó khăn đến đâu, chỉ cần có quyết tâm và sự chung tay của cả cộng đồng, thì những điều tưởng chừng như không thể vẫn có thể trở thành hiện thực.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (khi đó là Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước - đơn vị chủ đầu tư dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), cho biết, dự án được khởi động vào năm 2002 với vốn đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án cải tạo môi trường đô thị lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
Thành phố đã di dời hàng ngàn hộ dân, giải tỏa hàng ngàn căn nhà, xây dựng hệ thống cống hộp thoát nước dài hơn 9km, lắp đặt các trạm bơm thu gom nước thải về nhà máy xử lý. Công tác nạo vét bùn thải kéo dài nhiều năm, với hàng triệu mét khối bùn được đưa đi xử lý. Từ dự án, dòng chảy được cải tạo, hai tuyến đường được xây dựng mới và tạo cảnh quan, hàng ngàn cây xanh được trồng mới, vỉa hè, công viên ven kênh được làm mới, tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho khu vực này...
Từ một “dòng kênh chết”, Nhiêu Lộc - Thị Nghè nay đã trở thành một trong những “lá phổi xanh” của thành phố, là niềm tự hào của người dân TPHCM về một kỳ tích cải tạo môi trường đầy ngoạn mục.
QUỐC HÙNG