Thời khắc gian nan
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phan Minh Tánh (96 tuổi, thường gọi là ông Chín Đào), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, 1 trong 11 thành viên của Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Dù ngày giải phóng miền Nam đã là câu chuyện của 50 năm trước, nhưng hồi ức về thời khắc lịch sử ấy vẫn luôn hiện hữu trong trái tim ông.
Ngày ấy, Thành phố khó khăn chồng chất khó khăn, lại xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc; thiên tai xảy ra 3 năm liền ở Nam bộ ảnh hưởng lớn đến vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long… khiến mỗi lần nhớ đến là lòng ông đau nhói.
Theo Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, số liệu thời bấy giờ cho thấy thành phố Sài Gòn - Gia Định chỉ có 3,5 triệu dân nhưng hơn 1 triệu người thất nghiệp, hàng vạn người của chế độ cũ và hàng vạn thành phần liên quan đến tệ nạn xã hội.
Trong bối cảnh ngổn ngang đó, ngày 3-5-1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra quyết định thành lập Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, do Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (7-5-1975 - 21-1-1976) trong điều kiện hết sức khó khăn, Ủy ban quân quản đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, thực hiện hàng loạt chính sách để giữ được sự ổn định cần thiết ban đầu.
“Theo chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, nhiệm vụ chủ yếu của Ủy ban quân quản là nhanh chóng tiếp quản các cơ sở vật chất ở các lĩnh vực; ổn định đời sống quần chúng, cứu tế đồng bào thiếu đói, từng bước khôi phục những cơ sở bảo đảm cuộc sống của nhân dân và sắp xếp công ăn việc làm cho quần chúng...”, ông Chín Đào kể lại.
Sức khỏe của ông không cho phép chúng tôi có thể trò chuyện lâu. Ông nhìn vợ mình - bà Lê Thị Minh rồi khẽ gật đầu. Chúng tôi biết rằng, từng chi tiết, từng hồi ức của ông về những ngày đầu sau giải phóng, vợ ông đều rõ.
Bà Minh lên nhà trên, lục tìm cuốn sổ sờn hết góc và nét mực đã nhòe, kể với chúng tôi: “Đây rồi, Ủy ban quân quản thành phố đã chỉ đạo tổ chức 4 đoàn, 34 đội công tác xuống từng phường khóm làm nhiệm vụ cứu trợ, đưa đồng bào chạy nạn về quê cũ sinh sống, cấp đất cho người nghèo và diện chính sách, khôi phục sản xuất, rà phá tháo gỡ bom mìn, vật nổ, thu dọn phế liệu chiến tranh, khám chữa bệnh cho nhân dân… Đến cuối năm 1975, hơn 1.700 xí nghiệp với 30.000 công nhân trở lại sản xuất, 65.000ha đất vùng ngoại thành được canh tác, các đối tượng tệ nạn xã hội giảm mạnh…”.
“50 năm rồi, tôi vẫn sợ cảm giác mỗi đêm thấp thỏm chờ đợi tiếng bước chân quen thuộc của chồng trở về. Ổng đi suốt, họp suốt, đi từ mờ sáng đến tối mịt, ánh mắt lúc nào cũng trăn trở lo âu…”, bà Minh nói. Bà cho biết, với bà, đó là một thời kỳ mà mỗi bước đi đều là một cuộc đấu tranh không chỉ với kẻ thù mà còn với chính những khó khăn, thách thức trong lòng đất nước.
Ổn định trật tự trị an
Thời điểm đó, tình trạng thất nghiệp và nửa thất nghiệp của thành phố tăng cao; lượng thương phế binh, gái mại dâm, người nghiện ma túy, trẻ bụi đời, người ăn xin, trẻ mồ côi… lên đến hàng trăm ngàn người.
Trước tình hình đó, một trong những nhiệm vụ chính Ủy ban quân quản phải tập trung triển khai theo chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam là tiếp tục đánh địch, truy lùng tàn binh địch, trấn áp bọn phản cách mạng, thiết lập trật tự trị an của thành phố. Những quyết sách của Ủy ban quân quản khi đó được nhân dân ủng hộ và hưởng ứng.
Thời điểm đó, Báo Sài Gòn Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - TPHCM cũng đã lập diễn đàn “Muôn mặt Sài Gòn” để người dân phản ánh, góp ý, kiến nghị giải quyết các vấn đề có liên quan đến quản lý trật tự trị an của thành phố.
Là một trong những người tham gia tiếp quản Sài Gòn, ông Đỗ Trọng Văn, Trưởng Chi hội nhà giáo đi B, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, cho biết, khi đó có rất nhiều thông tin sai trái về an toàn của Sài Gòn, Ủy ban quân quản đã rất nhanh có biện pháp để ổn định tâm lý người dân. Trong đó, quan trọng nhất là thái độ tiếp xúc với người dân.
Ngay sau khi ổn định tâm lý người dân, Ủy ban quân quản lại bắt tay vào phục hồi kinh tế. Thời điểm này, Thành đoàn tổ chức lực lượng Thanh niên xung kích thu hút nhiều thanh niên tham gia hăng hái làm công tác xã hội.
Từ tháng 7 đến tháng 10-1975, Thành đoàn đã tập hợp lần lượt 800 thanh niên, thành lập 8 đại đội tình nguyện đi khai hoang, làm thủy lợi. Các đội Thanh niên xung phong (TNXP) tình nguyện ra quân làm thủy lợi trên nông trường Lê Minh Xuân.

Tháng 10-1975, Ban Vận động khai hoang và Xây dựng kinh tế mới Trung ương thành lập tổ chức TNXP gồm 2 đội, đi xây dựng các khu kinh tế mới ở Tây Ninh và Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). Các đội TNXP đầu tiên này là tiền thân, là cơ sở để hình thành 2 tổng đội TNXP: Tổng đội TNXP Thành đoàn và Tổng đội TNXP Xây dựng kinh tế mới.
Để rồi, ngày 28-3-1976 đã ghi dấu một sự kiện quan trọng của TPHCM, một thời điểm đáng ghi nhớ của phong trào thanh niên và là một kỷ niệm sáng chói của TNXP thành phố. Ngày đó, hơn một vạn thanh niên thành phố của Tổng đội TNXP Thành đoàn và Tổng đội TNXP Xây dựng kinh tế mới đã quyết tâm rời bỏ cuộc sống thị thành, lên đường đến vùng nông thôn ngoại thành và những nơi núi rừng đầy gian khổ để khai hoang, phục hóa, xây dựng các khu kinh tế mới, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Trước đội ngũ trùng trùng điệp điệp của tuổi trẻ TNXP, đồng chí Võ Văn Kiệt (lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND Cách mạng TPHCM) đã trao cờ Đoàn cho đồng chí Phạm Chánh Trực - Bí thư Thành đoàn. Thay mặt tuổi trẻ thành phố, đồng chí Phạm Chánh Trực nhận và giương cao lá cờ Đoàn trước hàng TNXP. Lá cờ ghi dòng chữ “Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên”.
Từ những người chưa hề biết cầm cuốc, cầm leng, đào đất cực nhọc suốt ngày dưới trời nắng gắt những tháng mùa khô, họ đã không ngần ngại tìm đến bà con nông dân để học hỏi, rồi lao vào công việc trong niềm say mê và lòng quyết tâm… Bà con nông dân ngoại thành luôn ghi nhớ hình ảnh các TNXP trên công trường đào kênh chống úng ở nông trường Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, kênh Thầy Cai, kênh Ba Gia, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng như: đập Cá Trê nhỏ, đập Vàm Nước Đục, đập Cây Bàng…
Tài sản trong tay và trách nhiệm trong tim
50 năm trước, giữa không khí hân hoan của ngày thống nhất đất nước, có một đơn vị đặc biệt với 34 chiến sĩ trẻ tuổi được giao nhiệm vụ quan trọng: bảo vệ một khối tài sản khổng lồ của đất nước. Trong số đó có ông Hoàng Minh Duyệt, khi ấy là Chuẩn úy, Đoàn phó đoàn C282.Q Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng).
Chiều 30-4-1975, đoàn C282.Q hành quân từ Trung ương Cục miền Nam vào trung tâm Sài Gòn trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân. Đơn vị do Thượng úy Đặng Hồng Minh làm Đoàn trưởng, ông Hoàng Minh Duyệt là Đoàn phó, Chính trị viên Bùi Bá Lân chỉ huy, nhanh chóng tiếp cận và triển khai nhiệm vụ.
Sáng 1-5-1975, đoàn C282.Q nhận lệnh tiếp quản Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại 17 Bến Chương Dương. Là người trực tiếp tham gia công tác kiểm kê, ông Hoàng Minh Duyệt chứng kiến và lưu giữ biên bản lịch sử về số lượng tài sản khổng lồ gồm hơn 16 tấn vàng, hàng ngàn đồng tiền cổ bằng vàng, bạc… Sau khi kiểm kê, toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất của Ngân hàng Quốc gia và hệ thống ngân hàng thương mại khu vực Sài Gòn - Gia Định được giao cho đoàn C282.Q tiếp quản, bảo vệ.
Ngoài Ngân hàng Quốc gia, các chiến sĩ chia nhau bảo vệ mục tiêu là các ngân hàng lớn, như Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Giao thông, Ngân hàng Đại Á và một số địa điểm khác. Không chỉ vậy, ông Duyệt còn tham gia tiếp quản và bảo vệ kho hàng tồn trữ Thủ Đức - nơi dự trữ một lượng lớn nhu yếu phẩm phục vụ hàng triệu người; áp tải, bảo vệ tiền trong thời gian diễn ra quá trình đổi tiền vào tháng 9-1975…
Trong suốt quá trình làm nhiệm vụ (khoảng nửa năm), các chiến sĩ đoàn C282.Q xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, thường xuyên tiếp xúc, sống trên “hầm vàng, kho tiền, núi hàng hóa” nhưng vượt lên tất cả, các chiến sĩ luôn nêu cao ý chí, là tấm gương cho người dân thành phố mới giải phóng về tinh thần cách mạng, sự chính trực của một người lính Bộ đội Cụ Hồ.