Thời khắc chuyển giao lịch sử
Sáng 30-4-1975, chàng trai trẻ nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái cùng Giáo sư giảng dạy báo chí Huỳnh Văn Tòng lên xe nhà báo Nguyễn Vạn Hồng, hướng về Dinh Độc Lập. Khi đến cửa hông ở đường Nguyễn Du, họ quyết định tiến thẳng vào thềm dinh.

Bên trong, không khí im lặng một cách đáng ngờ. Ông vội vã tìm Lý Quý Chung, Tổng trưởng Thông tin trong nội các mới, để cùng ra Đài Phát thanh thành phố. Tuy nhiên, không tài xế nào dám cầm lái vì lo bị bắn. Khi cả nhóm còn đang loay hoay, một sự kiện bất ngờ diễn ra trước mắt họ: đoàn xe tăng của Quân Giải phóng rầm rập tiến vào Dinh Độc Lập.
“Tiếng động cơ xe tăng gầm rú vang lên giữa lòng thành phố, tạo nên một cảnh tượng hùng tráng. Trong khoảnh khắc, cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ mở toang. Những chiếc xe tăng tiến thẳng vào bên trong, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn”, KTS Nguyễn Hữu Thái hồi tưởng.
Lúc này, không khí trong Dinh Độc Lập trở nên căng thẳng. Đúng lúc đó, anh lính Bùi Quang Thận từ trên xe tăng nhảy xuống, mang theo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi thấy anh còn ngỡ ngàng trước quy mô của dinh thự, ông Thái tiến đến đề nghị dẫn đường. “Kéo lá cờ ba sọc xuống thật khó, vì nó được buộc rất chặt. Sau một hồi nỗ lực, lá cờ Giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập”, ông kể lại. Khoảnh khắc ấy, một chương mới của lịch sử Việt Nam đã chính thức mở ra!
Vì đó là Tổ quốc…
Đại tá - họa sĩ Phan Oánh (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ) kể, ông vào Sài Gòn lúc 12 giờ 30 ngày 30-4-1975, sau khi Quân đoàn 2 và Lữ đoàn xe tăng cắm cờ tại Dinh Độc Lập một tiếng đồng hồ. Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ làm công tác quân quản. 12 giờ đêm, ông đang ở tại nhà số 10 đường Alexandre de Rhodes, cạnh Bộ Ngoại giao, nơi đơn vị đóng quân, thì nhận được điện cơ quan chính trị gọi về gặp thủ trưởng giao nhiệm vụ.
Nhiệm vụ của ông là cắt khẩu hiệu chào mừng chiến thắng và hòa hợp dân tộc, vẽ và dựng tranh cổ động, tham gia trưng bày minh họa cho quân giải phóng. Báo Văn Nghệ Giải Phóng, Báo Sài Gòn Giải Phóng ra số đầu tiên mừng nước nhà thống nhất, chuẩn bị làm sân lễ đài để phục vụ diễu binh, đón Bác Tôn và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đơn vị ra lệnh tất cả họa sĩ từng học ở trường B2.5 - Phòng Hội họa Giải phóng, các lớp vẽ do Phòng Tuyên huấn miền và các sư đoàn tổ chức có mặt để làm nhiệm vụ. Đại tá - họa sĩ Phan Oánh bày tỏ: “Các họa sĩ trở thành những người cắt khẩu hiệu, vẽ cờ, chỉ dẫn giao thông, giải thích chính sách... Tôi chợt nghĩ đó là Tổ quốc, bất kể chính kiến nào thì ai cũng có một ước mong là chấm dứt chiến tranh, thống nhất Tổ quốc”.
Khoảng giữa trưa, KTS Nguyễn Hữu Thái cùng các cán bộ Quân Giải phóng hộ tống Tổng thống Dương Văn Minh và nội các ra Đài Phát thanh. Ông bất ngờ được giao làm phát thanh viên “bất đắc dĩ”, thông báo rằng Sài Gòn đã được giải phóng và giới thiệu lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh.
Sau khi băng ghi âm tuyên bố đầu hàng được phát, khẳng định chính quyền Sài Gòn giải tán, trao lại quyền kiểm soát cho Chính phủ Cách mạng lâm thời, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 Bùi Văn Tùng long trọng tuyên bố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Ngay sau đó, nhóm của KTS Nguyễn Hữu Thái tổ chức chương trình phát thanh, thông báo chính sách mới… Ông Thái kể, khi ấy công việc cứ cuốn đi và phải mãi tận sau này, ông mới dần cảm nhận được mình không chỉ là nhân chứng mà còn được tham gia một sự kiện đặc biệt trong lịch sử của dân tộc. Đó là điều ông luôn lưu giữ và trân trọng suốt cuộc đời.
Ngày hội hòa bình
Buổi chiều 30-4-1975, thành phố dần trở lại nhịp sống bình thường. “Đêm ấy, bầu trời Sài Gòn bỗng trở nên tĩnh lặng khác thường. Đó là đêm đầu tiên của hòa bình”, ông Thái xúc động kể.

Mỗi khi nhớ về ngày ấy, hình ảnh khắc sâu trong tâm trí ông là cảnh bộ đội nhóm lửa, bắc bếp nấu cơm ngay trên khu đất công viên trước cổng Dinh Độc Lập. Thanh niên Sài Gòn hào hứng đến trò chuyện với các chiến sĩ, không phải với sự dè dặt hay xa cách, mà như những người thân lâu ngày gặp lại. “Không khí lúc đó đầy bất ngờ, không giống một cuộc chiến vừa kết thúc, mà giống như một ngày đoàn tụ”, ông Thái nói.
Sau ngày 30-4-1975, bầu không khí sôi động lan tỏa khắp thành phố. Sinh viên, học sinh giữ trật tự giao thông, thu gom rác, vận động binh lính Sài Gòn giao nộp vũ khí. Sáng 1-5-1975, hàng ngàn thanh niên tụ tập tại Trung tâm Sinh viên, số 4 đường Duy Tân (nay là đường Phạm Ngọc Thạch). “Lần đầu tiên sau nhiều năm, họ được tụ họp mà không lo sợ bị đàn áp, bắt bớ. Tôi nhìn thấy những khuôn mặt rạng rỡ, những nụ cười thật sự hạnh phúc - một niềm vui đơn giản, chân thành khi họ có thể cất cao tiếng nói, cùng nhau bắt đầu một hành trình mới”, ông Thái xúc động nhớ lại.
Ngày 30-4-1975 đã trở thành một trong những sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Không chỉ là ngày kết thúc chiến tranh mà còn là ngày hội của hòa bình, ngày mà cả dân tộc cùng bước sang một chương mới. “Đội quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn không với dáng vẻ của những kẻ chiến thắng, mà như những người anh em trở về nhà. Trong ánh mắt của nhân dân hai miền, đó là một ngày hội lớn - ngày hội của hòa bình, thống nhất và đoàn tụ”, ông Thái khẳng định.
50 năm trôi qua, ông Thái đã có một thời gian dài sống và làm việc ở nước ngoài trước khi quay trở lại Việt Nam làm công tác giảng dạy trong trường đại học, song mỗi lần nhắc lại ngày ấy, ánh mắt ông vẫn ánh lên niềm tự hào. “Tôi tự hào vì đã chứng kiến và tham gia vào sự kiện trọng đại ấy. Dù thời gian trôi qua, ký ức về buổi sáng lịch sử năm 1975 vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi”, ông Thái nói.
Đi qua 2 cuộc trường kỳ
Ngày 30-4-1975 lịch sử, trên đôi vai ông là nhiệm vụ trọn vẹn của người lính đi qua hai cuộc chiến vệ quốc trường kỳ, ông là Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Nguyên Phó Chính ủy Phòng Tình báo miền (B2), Nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316. Ký ức ngày 30-4-1975 với bác Tư là niềm vui sum họp trong ngôi nhà nhỏ, trên một đất nước đã hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Bác Tư Cang kể: “Tôi cứ nhớ mãi 2 đêm: một đêm năm 1946 từ giã vợ lên đường đi chiến đấu và đêm 30-4-1975 toàn thắng trở về, gặp nhau trong căn phố nhỏ Thị Nghè. Hai đêm cách nhau những 29 năm, tâm trạng vui buồn khác xa nhau, nhưng đêm nào cũng đầy nước mắt”.
Phải ở lại vị trí để hoàn thành nhiệm vụ của người chỉ huy chiến đấu, khi lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, bác Tư vẫn đang làm nhiệm vụ ở đình Tân Thới Tứ (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn), đến trưa thì xuống tới nội đô. Tròn nhiệm vụ của người chiến sĩ cách mạng, ngày gặp lại gia đình cũng là ngày ông lên chức ông ngoại. Tối lại, ông về thăm vợ con ở khu cư xá nhân viên Việt Nam Thương Tín, bây giờ thuộc phường 21, quận Bình Thạnh. Chưa tới cửa, ông gọi “Nhồng ơi Nhồng!”, bà xã chạy ra vừa mừng vừa khóc: “Em biết mà, nghe gọi tên Nhồng em biết chỉ có anh thôi”.
Theo lời bác Tư Cang, hồi ông ở chiến khu, vợ biên thơ nói sanh con gái. Bà xã ông ở nhà thứ sáu, dân Nam bộ thì “sáu” đọc cũng như “sáo” thôi, thành ra má vợ ông đặt tên cháu ngoại là Nhồng, vì con sáo sanh ra con nhồng. Hai vợ chồng gặp lại sau gần 30 năm xa cách, vừa mừng vừa tủi, nước mắt cứ trào ra. “Con gái tôi - con Nhồng đã thức giấc, lay thêm đứa nhỏ 3 tuổi. Tôi giật mình thầm nhủ mình đã lên chức ông ngoại rồi. Tôi ôm cháu ngoại vào lòng mà không cầm được nước mắt”.
Dù 50 năm đã qua hay nhiều hơn thế nữa, thời gian sẽ không cho phép chúng ta gặp lại đầy đủ các nhân chứng lịch sử, nhưng hào hùng còn đó, để lớp lớp người tiếp nối vinh quang… Để khi mở ra từng trang sử Việt, thế hệ hôm nay, mai sau trân trọng, tự hào và biết ơn hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ này, bởi không phải tự nhiên mà có một ngày thống nhất non sông.