50 năm non sông liền một dải - Bài 15: Tiếp tục đột phá, kiến tạo

“Bên kia, dọc tuyến metro trên địa bàn TP Thủ Đức, ngày trước bốn bề là dừa nước, đầm rạch. Chúng tôi ăn, ngủ trên những tàu dừa nước để giữ chân địch cho lực lượng của ta tiến vào. Không ngờ có ngày khu sình lầy ấy lại trở thành đô thị khang trang với hệ thống giao thông hiện đại như vậy”, ông Lê Văn Quốc, cựu chiến binh TP Thủ Đức (TPHCM), đứng trước cửa nhà, chỉ về phía đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang chạy và nói trong xúc động.

Tàu tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy ngang qua khu đô thị hiện đại ở TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tàu tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy ngang qua khu đô thị hiện đại ở TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TPHCM được định hình phát triển từ rất sớm

Ông Lê Văn Quốc kể vui, thi thoảng gặp lại đồng đội cũ, các ông thường chọc nhau không uổng công… phải sống. Còn sống mới thấy thành phố phát triển như thế nào, mới thấy được chiến trường xưa - nơi các ông đã không quản hy sinh tính mạng để giữ bằng được - nay khang trang ra sao.

Tuyến metro số 1 là một trong 12 tuyến đường sắt đô thị của TPHCM theo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, TPHCM phấn đấu đến năm 2030 hình thành các trục cơ bản của đường sắt đô thị, đến năm 2050 hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị. Trong đó, ngoài 8 tuyến metro xuyên tâm, TPHCM còn có 2 tuyến metro vành đai, 1 tuyến đường sắt nhẹ ven sông và 1 tuyến đường sắt nhẹ hoặc tàu điện ngầm, tiềm năng kết nối đến khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

TPHCM cũng đang tăng tốc thực hiện hàng loạt tuyến vành đai như đường Vành đai 4 - tuyến đường phục vụ hạ tầng cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Vành đai 3 - có vai trò quan trọng, tạo động lực cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối liên vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ; khép kín Vành đai 2 để kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển mạnh mẽ. Đồng thời chuẩn bị nhiều dự án, đề án lớn, như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM…

Đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, nhận xét, hiếm có địa phương nào trong cả nước được sự quan tâm sâu sát, toàn diện của Trung ương như TPHCM. Từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết riêng về thành phố; Quốc hội, Chính phủ cũng có nhiều cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho thành phố phát triển.

Đó là Nghị quyết 01-NQ/TW ngày 14-9-1982 về công tác của TPHCM; Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 18-11-2002 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010; Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. Mới đây nhất, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, Bộ Chính trị còn ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà trong đó TPHCM là hạt nhân, điểm nhấn, đầu tàu phát triển.

Theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, ngay từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vị trí vai trò của thành phố, không chỉ là đối với các địa phương trong nước mà thành phố phải vươn lên, có tầm đối với các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á. TPHCM luôn là nơi tiên phong về chủ trương, triển khai thực thi các đường lối của Trung ương; chủ động và tích cực trong hội nhập quốc tế.

Có lẽ bởi vậy mà Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 với nhiều nội dung mới, những cơ chế đặc thù, vượt trội, tạo cơ hội mới để thành phố bứt phá. Đồng thời đưa ra những cơ chế mới xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ nhiệm vụ chính trị, kinh tế và chiến lược phát triển của thành phố…

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội với quyết tâm phân cấp, phân quyền, tạo những điều kiện tốt nhất giúp TPHCM tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại, phát triển nhanh và bền vững hơn nữa với tinh thần “TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM”.

TPHCM rạng rỡ tên vàng

Trong chuyến làm việc cuối cùng của mình tại TPHCM, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “TPHCM rực rỡ tên vàng, sẽ tăng cường đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất của mình đối với Vùng đồng bằng Nam bộ, xứng danh “đất thép thành đồng”, hòn ngọc Viễn Đông, niềm tin yêu và tự hào của cả nước”.

Hay ngay sau khi nhậm chức Tổng Bí thư, đồng chí Tô Lâm đã chọn TPHCM là địa phương thứ 2 (sau Hà Nội) để làm việc. Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục nhấn mạnh: “Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM và cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí của TPHCM với cả nước và vùng Nam bộ, với vinh dự mang tên Bác, TPHCM rực rỡ tên vàng”.

Với vị trí và vai trò đặc biệt như vậy, Trung ương xác định việc triển khai Quy hoạch TPHCM không phải là nhiệm vụ của riêng TPHCM mà là của cả vùng, cả nước. Trong hội nghị công bố Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo rõ những mục tiêu phát triển trong tương lai.

Theo đó, đến năm 2030, TPHCM là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; trở thành địa phương có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng.

TPHCM sẽ có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao cũng như là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc…

Niềm tin, kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tạo động lực lớn và tiếp tục là kim chỉ nam để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM nỗ lực, đoàn kết đưa thành phố phát triển.

Từ các nghị quyết phân cấp, trao quyền cho TPHCM, thành phố cũng đã triệt để phân cấp cho các cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức để tăng cường sự chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính và chất lượng phục vụ nhân dân.

Chỉ tính riêng việc triển khai Nghị định 84/2024/NĐ-CP về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TPHCM (thay thế Nghị định 93/2001/NĐ-CP) ban hành mới đây với 8 lĩnh vực quản lý nhà nước, thành phố đã triển khai rất quyết liệt phân cấp cho cơ sở. Có thể điểm qua một số kết quả cụ thể như: thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về công tác an toàn thực phẩm trên các lĩnh vực thuộc Sở Công thương, Sở NN-PTNT (cũ), Sở Y tế.

Cùng với đó, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy của UBND TP Thủ Đức; ủy quyền cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM… Qua đó đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, khuyến khích tính năng động, sáng tạo, tự chủ cho các các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Năm 2025, nước ta đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8%. Với truyền thống năng động, sáng tạo và với vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM xác định phải chủ động, tăng tốc, bứt phá để tăng trưởng của thành phố đạt hai con số, qua đó đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước.

Một số thành tựu nổi bật của TPHCM

Quy mô kinh tế của TPHCM lớn nhất nước, đạt mức 1,78 triệu tỷ đồng.

Dân số TPHCM trên 10 triệu người.

Thu nhập bình quân đầu người ở TPHCM năm 2024 là 7.600USD.

TPHCM có thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước: TP Thủ Đức.

TPHCM được Trung ương chọn là một trong 2 địa phương có Trung tâm Tài chính quốc tế.

Cuối năm 2024, TPHCM đưa tuyến đường sắt đô thị số 1 vào vận hành.

Năm 2024, thu ngân sách thành phố trên 500.000 tỷ đồng.

Là thành phố sáng tạo, thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Tin cùng chuyên mục