50 năm non sông liền một dải - Bài 14: Những dấu ấn văn hóa của thành phố phương Nam

50 năm hành trình phát triển, từ những khó khăn của ngày hậu chiến đến một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình hôm nay là một quãng thời gian dài với những dấu ấn khó quên. Trong đó, những công trình văn hóa luôn là các điểm nhấn quan trọng, để lại những hình ảnh đẹp đối với người dân, du khách.

Đông đảo người dân thành phố, du khách bốn phương đến với Đường hoa Tết Nguyễn Huệ. Ảnh: LÊ AN
Đông đảo người dân thành phố, du khách bốn phương đến với Đường hoa Tết Nguyễn Huệ. Ảnh: LÊ AN

Biểu tượng của yên bình và hạnh phúc

Chị Hoàng Thị Thanh Kiều, hiện đang sống và làm việc tại Đức, chia sẻ: “Cứ lần nào về nước đón tết với người thân là tôi nhất định phải đến Đường hoa Nguyễn Huệ. Với những người con thành phố xa quê hương như chúng tôi, về quê đón tết mà chưa đến đường hoa là như chưa có tết đủ đầy. Thậm chí từ trước tết, bạn bè bên Đức gọi hỏi thăm tình hình về nước, câu cửa miệng cứ hỏi: Đã đi đường hoa chưa? Có năm nhiều việc quá, cũng phải ráng đi ngang, chụp với linh thú ở cổng chào để ghi dấu mình đã đến đường hoa”. Không chỉ với những người xa quê hương, ngay với người dân TPHCM, không biết tự bao giờ, Đường hoa Nguyễn Huệ đã được ví von là “cánh én báo hiệu mùa xuân”. Chị Ngọc Dung, nhân viên văn phòng tại một công ty ở khu vực quận 1, kể: “Áp lực công việc cứ cuốn mình theo, chẳng để ý thời gian. Bỗng một hôm, đi ngang đường Nguyễn Huệ, thấy người ta rào lại để thi công đường hoa, mới sực nhớ, tết đến rồi...”.

Còn với anh Trần Mạnh Dũng, kỹ sư điện công trình, ngụ tại quận Gò Vấp, thì Đường hoa Nguyễn Huệ lại gắn với một kỷ niệm khó quên. Dịch Covid-19 lấy đi một người thân của gia đình anh, sau khi dịch ngớt, Tết Nhâm Dần 2022, thành phố mở lại đường hoa. Anh cũng đưa gia đình đến với mong muốn quên đi những đau buồn. Thế nhưng, hình ảnh đường hoa bị bao kín để hạn chế người tham quan, việc ra vào phải thông qua kiểm tra phòng chống dịch…, khiến anh nhớ lại những cảm giác đau buồn cũ và anh đã quay về. “Đến Tết Quý Mão 2023, tôi lại ra đường hoa, chứng kiến không khí sôi động, dòng người nô nức, tôi đã bật khóc, bởi hình ảnh này như lời khẳng định những ngày u ám đã ở phía sau, một tương lai tươi sáng đang đến không chỉ với thành phố mà cả với tôi”, anh Trần Mạnh Dũng tâm sự.

Cũng để lại sau lưng những quá khứ mất mát, đau thương, hướng đến hòa bình, hạnh phúc, ngày 26-4-1985 - Kỷ niệm 10 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM đón chào một công trình văn hóa đầy ý nghĩa là Nhà hát Hòa Bình (số 240-242 đường 3 Tháng 2, phường 12, quận 10). Công trình do cố Phó Thủ tướng - Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và Kiến trúc sư Nguyễn Thành Thế thiết kế. Với diện tích 16.500m2 và sức chứa gần 2.500 chỗ ngồi, Nhà hát Hòa Bình đã trở thành biểu tượng văn hóa và nghệ thuật của thành phố. Nơi đây đã ghi dấu lịch sử của TPHCM thông qua những chương trình nghệ thuật, những cuộc đón tiếp, giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế. Thậm chí, có thời điểm nhà hát còn được sử dụng làm rạp chiếu phim dã chiến, phục vụ nhu cầu giải trí của người dân trong những giai đoạn khó khăn. Dù qua thời gian, công trình đã có phần xuống cấp, dần không còn đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân, nhưng với tất cả những ai đã sống, gắn bó với TPHCM, Nhà hát Hòa Bình vẫn luôn là một biểu tượng, dấu ấn của một thành phố bước qua chiến tranh để đến với hòa bình, hạnh phúc.

Những ký ức khó phai

50 năm TPHCM dựng xây và phát triển, những công trình văn hóa cũng là một phần quan trọng trong quá trình này. Thế nhưng, mấy ai biết đằng sau mỗi công trình là một câu chuyện đầy ý nghĩa, phản ánh những cột mốc lịch sử quan trọng của TPHCM qua nửa thế kỷ.

Được mệnh danh là “Ốc đảo xanh giữa lòng thành phố”, Công viên Văn hóa Đầm Sen (số 3 đường Hòa Bình, quận 11, TPHCM) đã trở thành một địa chỉ văn hóa quá quen thuộc với người dân thành phố và du khách bốn phương. Khu vực này ban đầu là một bãi đầm lầy hoang sơ, với những đầm sen tự nhiên mọc giữa vùng đất trũng ngập nước (đây cũng là nguồn gốc tên gọi Đầm Sen). Ý tưởng biến khu đầm lầy thành một công viên văn hóa bắt đầu từ năm 1976, khi UBND TPHCM phát động phong trào cải tạo đất đai, tận dụng các khu vực bỏ hoang để phục vụ cộng đồng. Hàng ngàn người dân, Thanh niên xung phong và các lực lượng xã hội đã tham gia lao động công ích, san lấp, cải tạo khu vực này. Công việc không hề dễ dàng do địa hình trũng, ngập nước và thiếu thốn trang thiết bị hiện đại, nhưng tinh thần đoàn kết và quyết tâm đã giúp dự án dần thành hình.

Ngày 29-11-1989, Công viên Văn hóa Đầm Sen chính thức khánh thành với tên gọi ban đầu là “Công viên Đầm Sen”. Ban đầu, công viên chỉ có các khu vực cây xanh, hồ nước và một số trò chơi đơn giản, nhưng qua thời gian, công viên dần được đầu tư mở rộng. Đến năm 1998, công viên được đổi tên thành “Công viên Văn hóa Đầm Sen” để nhấn mạnh vai trò không chỉ là nơi giải trí mà còn là trung tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Các lễ hội như Hội Hoa xuân, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức thường niên, góp phần khẳng định ý nghĩa văn hóa của địa điểm này. Từ một vùng đầm lầy hoang hóa, Đầm Sen đã trở thành biểu tượng của sự chuyển mình, là điểm đến không thể thiếu của người dân TPHCM cho đến nay.

Dù không có quy mô như Công viên Văn hóa Đầm Sen nhưng Đường sách TPHCM cũng được xem là một kỳ tích, bởi từ ý tưởng đến khi thành hình, chỉ trong khoảng nửa năm. Thậm chí, khi đó rất nhiều người đã không tin đường sách có thể thành công, nhiều doanh nghiệp sách đã rút lui vào phút cuối. Ngay cả khi đường sách đi vào hoạt động, sự bỡ ngỡ ban đầu của người dân với một mô hình văn hóa mới lạ càng khiến nhiều người tin rằng Đường sách TPHCM sẽ không thể tồn tại lâu dài. Thế nhưng, chính thức khánh thành ngày 9-1-2016, ngay trong năm đầu hoạt động, Đường sách TPHCM đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của TPHCM. Sự thành công không chỉ ở phạm trù văn hóa với hàng trăm sự kiện được tổ chức, hàng trăm ngàn bạn đọc đến tham quan mà còn cả ở góc độ kinh doanh, khi các doanh nghiệp ở đường sách đều có doanh thu rất tốt. Năm 2017-2021 dao động từ 24-44 tỷ đồng/năm. Từ năm 2022, doanh thu tăng vọt lên gần 52 tỷ đồng, và duy trì 59,6 tỷ đồng và 57,3 tỷ đồng vào các năm 2023 và 2024. Đến nay, Đường sách TPHCM không chỉ là công trình văn hóa của TPHCM mà còn là hình mẫu để rất nhiều địa phương trên cả nước học hỏi, thực hiện.

Là một thành phố mang đậm hơi thở của lịch sử đất nước, các công trình văn hóa vì thế cũng gắn liền với những cột mốc lịch sử, như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được thành lập chỉ vỏn vẹn vài tháng sau khi thành phố được giải phóng (4-9-1975). Bảo tàng đã dần trở thành điểm đến thu hút nhất của người dân và du khách, nhất là thế hệ trẻ, không chỉ để tìm hiểu về quá khứ mà còn để nhắc nhở về giá trị của hòa bình. Hay như Nhà Thiếu nhi TPHCM được thành lập chỉ 1 tháng sau ngày đất nước thống nhất (1-6-1975). Tòa nhà chính của Nhà Thiếu nhi TPHCM đặt tại số 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Đây là một công trình được xây dựng từ khoảng năm 1926-1927, mang kiến trúc cổ điển đặc trưng của Pháp. Sau một thời gian dài phục vụ các hoạt động cho thiếu nhi, trở thành “ngôi nhà tuổi thơ” thân thương của nhiều thế hệ trẻ em thành phố mang tên Bác, năm 2015, tòa nhà đã được trùng tu lại nguyên bản, trở thành Nhà Truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Khu vực phía sau tòa nhà đã được thành phố đầu tư xây một công trình mới, đáp ứng các nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí ngày càng cao của thiếu nhi.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở UBND TPHCM là một công trình mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc, gắn liền với lòng biết ơn và sự kính trọng của người dân thành phố đối với vị lãnh tụ vĩ đại. Năm 2013, khi đường đi bộ Nguyễn Huệ được quy hoạch và xây dựng, TPHCM quyết định thay thế tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” bằng một tượng đài mới để phù hợp với không gian hiện đại và tầm vóc của khu vực. Sau một cuộc thi, lấy ý kiến người dân, mẫu tượng của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới được chọn. Công trình khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2015). Tượng có tổng chiều cao 7,2m (tượng cao 4,5m, đặt trên bệ cao 2,7m), khắc họa hình ảnh Bác Hồ trong tư thế đứng vẫy tay chào, thể hiện thần thái ung dung, phúc hậu và tình cảm ấm áp dành cho nhân dân miền Nam. Kể từ khi khánh thành, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nơi tưởng niệm, dâng hoa của người dân và các đoàn thể, mà còn là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và khẳng định giá trị lịch sử của TPHCM.

Tin cùng chuyên mục