Những bước đi tiên phong
Ngay từ năm 1977, TPHCM đã thành lập Ủy ban Đoàn kết và hữu nghị với nhân dân các nước, trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, nhằm đón tiếp các đoàn khách quốc tế, những người bạn từng ủng hộ nhân dân Việt Nam trong kháng chiến trở lại thăm Việt Nam.

Thông qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi và tiếp xúc trực tiếp, TPHCM đã chủ động truyền tải thông tin xác thực về tình hình đất nước sau giải phóng, góp phần hóa giải hiểu lầm, phản bác luận điệu xuyên tạc của truyền thông phương Tây thời kỳ đó; đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với chính sách bao vây, cấm vận kéo dài. Các đoàn khách quốc tế sau khi đến thăm đã trở thành tiếng nói chân thực, giúp truyền đi hình ảnh Việt Nam chính nghĩa, khoan dung, khao khát hòa bình và tái thiết.
Ngay cả trước khi đất nước tiến hành đổi mới, TPHCM đã sớm nhận thức rõ vai trò chiến lược của công tác đối ngoại trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1985, khi cả nước còn đang trong thời kỳ bao cấp, TPHCM đã mạnh dạn đón đoàn gần 70 doanh nhân Hoa Kỳ đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, “đó là sự kiện mở đường mang tính biểu tượng cho tư duy đối ngoại đổi mới, chủ động, dám nghĩ dám làm của TPHCM”. Từ sau Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986, TPHCM nổi lên như một địa phương tiên phong, thử nghiệm nhiều chính sách kinh tế đối ngoại mang tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội hội nhập.
Nơi “ươm mầm” cho tiến trình bình thường hóa quan hệ
TPHCM cũng từng bước lan tỏa hình ảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, từ đổ nát sau chiến tranh sang ổn định chính trị, an toàn xã hội và phát triển kinh tế năng động. TPHCM trở thành điểm đến của nhiều nguyên thủ và đoàn đại biểu cấp cao quốc tế, góp phần làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Có thể kể đến chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Pháp François Mitterrand năm 1993 - nguyên thủ phương Tây đầu tiên chính thức đến thăm Việt Nam, tuyên bố hòa giải hoàn toàn giữa Pháp và Việt Nam; chuyến thăm của Tổng thống Pháp Jacques Chirac năm 1997; Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân năm 1994, khẳng định bước phát triển mới trong quan hệ Việt - Trung; hay chuyến thăm năm 1995 của Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Đức Helmut Kohl.
Đặc biệt, đối với Hoa Kỳ, TPHCM là nơi “ươm mầm” cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ngay cả trước thời điểm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (tháng 7-1995), TPHCM đã chủ động thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế - giáo dục. Tháng 3-1994, chỉ một tháng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ cấm vận thương mại, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) đã được thành lập tại TPHCM với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền thành phố. Một dấu mốc đặc biệt quan trọng là việc thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa TPHCM và thành phố San Francisco, bang California, Hoa Kỳ vào tháng 4-1995.
Đây là chương trình hợp tác cấp chính quyền đầu tiên giữa hai địa phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Chuyến thăm TPHCM của Tổng thống Bill Clinton năm 2000 cùng với phái đoàn gần 500 doanh nghiệp là minh chứng sinh động cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ song phương và cũng là kết quả từ những nỗ lực bền bỉ, đầy thiện chí của TPHCM trong hàn gắn, hòa giải sau chiến tranh trong suốt một thập niên trước đó.
TPHCM đã triển khai hàng loạt chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng khu chế xuất, tự do hóa thương mại, dịch vụ và cải cách hành chính. Những thành công bước đầu tại TPHCM vừa giải quyết nhu cầu phát triển của địa phương, vừa trở thành cơ sở để Trung ương nhân rộng, qua đó định hình mô hình hội nhập kinh tế trên cả nước.
TPHCM nhanh chóng thu hút được các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, lãnh thổ Đài Loan... Chính quyền thành phố khi đó đề xuất mức ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, ưu tiên cung cấp điện - nước, đồng thời rút gọn thủ tục cấp phép trong khung “một cửa” để tạo ấn tượng tốt với nhà đầu tư. Song song với việc thu hút FDI, TPHCM đi đầu trong xây dựng các khu chế xuất và khu công nghiệp.
Hội nhập toàn diện và sâu rộng
Cùng với bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công tác đối ngoại của TPHCM ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, cùng cả nước hội nhập toàn diện, sâu rộng với khu vực và quốc tế. Từ một thành phố từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, đến nay TPHCM đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 58 địa phương trên toàn thế giới, trải rộng khắp 5 châu lục.
Mạng lưới đối tác cấp địa phương ngày càng mở rộng, thực chất và đi vào chiều sâu, đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao các mô hình phát triển đô thị hiện đại. Những chương trình hợp tác tiêu biểu có thể kể đến như chống ngập và thích ứng với nước biển dâng với thành phố Rotterdam (Hà Lan), phát triển đô thị phát thải carbon thấp với Osaka (Nhật Bản), quy hoạch đô thị và quản lý giao thông thông minh với Singapore…
Cùng với đó, TPHCM đã tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế đa phương, đồng thời là thành viên có trách nhiệm trong nhiều mạng lưới đô thị toàn cầu, như Mạng lưới các thành phố lớn C40, Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN, Diễn đàn đô thị thế giới (WUF), Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Thông qua các diễn đàn này, TPHCM không chỉ thúc đẩy trao đổi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, ứng phó biến đổi khí hậu, giao thông bền vững, mà còn từng bước nâng cao năng lực thể chế và quản trị đô thị theo hướng hiện đại, bền vững, thích ứng với các thách thức toàn cầu đang nổi lên.
Trên nền tảng đó, với sự tham mưu của Sở Ngoại vụ, TPHCM đã ban hành Chiến lược đối ngoại của TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút hiệu quả nguồn lực quốc tế, nâng cao vị thế của TPHCM, đồng thời đóng góp tích cực vào việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam, Chiến lược đối ngoại của TPHCM khẳng định sự kết hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng và hiệu quả giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Quan điểm xuyên suốt của TPHCM là lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, đồng thời phát huy vai trò chủ động, tích cực của cả hai lực lượng này, vừa là đối tượng tham gia xây dựng chính sách, chiến lược; vừa trực tiếp triển khai các hoạt động đối ngoại và cũng là đối tượng thụ hưởng các kết quả từ hoạt động đối ngoại. Trên tinh thần đó, TPHCM hướng đến một nền đối ngoại thực chất, hiệu quả, phục vụ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp.
Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, công tác đối ngoại của TPHCM (với Sở Ngoại vụ là lực lượng nòng cốt) đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp thiết thực và hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, xây dựng hình ảnh một thành phố hòa bình, năng động, nhân văn và hội nhập.