50 năm non sông liền một dải - Bài 11: Khoa học công nghệ khẳng định vai trò động lực

Sau 50 năm phát triển, TPHCM đã ghi dấu những bước tiến vượt bậc trên hành trình đổi mới khoa học - công nghệ (KH-CN), kiến tạo nên một trung tâm đổi mới sáng tạo đầy tiềm năng của Việt Nam. Những thành tựu ấy không chỉ góp phần làm giàu đẹp cho diện mạo kinh tế - xã hội của thành phố mang tên Bác, mà còn lan tỏa những giá trị tích cực, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước.

Phát triển vững chắc từ đầu

Những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, thành phố đã xác định KH-CN là đòn bẩy then chốt để khơi thông dòng chảy phát triển. Từ đây, các trường đại học, viện nghiên cứu được củng cố, mở rộng, tạo dựng nền móng cho việc đào tạo nguồn nhân lực và triển khai các hoạt động nghiên cứu cơ bản.

Theo Sở KH-CN TPHCM, thành phố đã bước vào thập niên cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất từ những năm 1990, với hàng chục ngàn sáng kiến cấp cơ sở mỗi năm. Số lượng các giải pháp kỹ thuật tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM từ năm 1990-2014 tăng hơn 3 lần, từ 60 giải pháp kỹ thuật lên đến 198 giải pháp kỹ thuật tham dự hội thi năm 2013-2014. Đặc biệt năm 2010-2011, có đến 323 giải pháp kỹ thuật tham dự.

“Vai trò, sự đóng góp và sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ khoa học, kỹ thuật, tri thức trẻ suốt nhiều năm đã tạo nên những tác động quan trọng vào quá trình đổi mới cơ chế quản lý, ứng dụng và phát triển công nghệ, gắn kết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố”, nguyên Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Lê Hoài Quốc chia sẻ.

Q3a.jpg
Các kỹ sư trẻ của Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, nơi cho ra đời nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt năng suất cao

Hòa mình vào dòng chảy của thế giới ở giai đoạn đổi mới, thành phố đã đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và tự động hóa. Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) là minh chứng. QTSC được thành lập vào năm 2001, ngay sau đó đã thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước tham gia nhờ chính sách ưu đãi hấp dẫn, cơ sở hạ tầng hiện đại. Hiện nơi đây đã thu hút hơn 120 doanh nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT hoạt động, cung cấp hơn 650 sản phẩm công nghệ, dịch vụ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cho thị trường nội địa và xuất khẩu ra quốc tế.

Riêng Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) thành lập năm 2002 và sau đó cũng trở thành niềm tự hào của thành phố trong thu hút đầu tư quốc tế. PGS-TS Lê Quốc Cường, Phó trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết: “Vốn đầu tư trung bình của 1 dự án khoảng 76 triệu USD, hơn gần 10 lần so với dự án ngoài SHTP. Bình quân suất đầu tư trên đất đạt gần 22 triệu USD/ha đối với dự án thuê đất, cao hơn so với các dự án tại khu công nghiệp và khu chế xuất hiện nay. Như vậy, 1 đồng Nhà nước chi ra đã thu được 3 đồng sau hơn 20 năm hoạt động; trong 30-50 năm tới sẽ đóng góp nhiều hơn nữa, vì SHTP đã có những chiến lược phát triển mới ”.

Tiếp nối nhiều hình thái mới

TPHCM là địa phương đi đầu trong tổ chức chợ công nghệ, thiết bị. Hoạt động này đã được hình thành từ rất sớm theo chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM, từ năm 1999. Sàn giao dịch công nghệ góp phần đẩy mạnh việc tạo lập và phát triển thị trường KH-CN, tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Sàn giao dịch công nghệ vẫn tiếp tục phát huy nhiều giá trị của nó, không chỉ là nơi trao đổi, chuyển giao công nghệ mà còn là cầu nối đưa công nghệ đến với các hoạt động sản xuất của nhiều tỉnh, thành”, ThS Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin và thống kê KH-CN TPHCM, chia sẻ.

Về hoạt động KH-CN tại TPHCM, không thể không nhắc đến nguồn nhân lực từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các chương trình đào tạo cán bộ trẻ như chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, chương trình đào tạo 300-500 thạc sĩ, tiến sĩ trẻ… Từ đó đã hình thành nên nhiều lực lượng lao động chủ chốt, đã và đang hoạt động trong các tổ chức KH-CN hiện nay.

TS Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (AHTP), cho biết, AHTP là hình mẫu về nghiên cứu, thu hút nhân lực, đào tạo cán bộ về nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của cả nước. Đơn vị cũng tích cực thực hiện công tác tuyển chọn đào tạo - ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ startup khởi nghiệp, xúc tiến thương mại các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm. AHTP được xây dựng tại huyện Củ Chi năm 2004, không lâu sau đó các trung tâm trực thuộc đã cung cấp ra thị trường TPHCM và các tỉnh thành từ 3-5 triệu cây giống, con giống thủy sản… dưới hình thức chuyển giao “chìa khóa trao tay”, các khóa đào tạo ngắn hạn.

Những năm gần đây, lĩnh vực KH-CN còn đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm xây dựng thành phố thông minh, phục vụ chương trình chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), từ đây đã hình thành hình thái KH-CN mới là Hệ sinh thái KNĐMST. Hiện Hệ sinh thái KNĐMST tại TPHCM tiến gần đến tốp 100 thành phố có Hệ sinh thái KNĐMST năng động nhất toàn cầu.

Thành phố có mặt trong tốp 100 thành phố toàn cầu về 4 lĩnh vực: Fintech (thứ 54), Edtech (thứ 62), thương mại điện tử và bán lẻ (thứ 71) và giao thông vận tải (thứ 87). TPHCM đứng đầu trong tốp 10 địa phương đạt chỉ số ĐMST cấp địa phương cao nhất cả nước… và cũng là vùng đất sản sinh ra những startup kỳ lân với định giá trên 1 tỷ USD là minh chứng sống động.

Thời cơ mới từ Nghị quyết 57

Ngày nay, chuyển đổi số như đã trở thành “mệnh lệnh” để bứt phá giá trị mới của KH-CN. Với các chương trình Chuyển đổi số TPHCM và Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh năm 2024; Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025… đã từng bước góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và mang lại tiện ích cho người dân.

“Trong nhịp sống ngày nay, chỉ cần cầm chiếc smartphone có kết nối 4G, 5G, mọi người có thể thực hiện tất cả giao dịch từ mua sắm, quản lý kinh doanh, thủ tục hành chính, đi xe buýt, metro… đều được. Một sự mới mẻ, tiện dụng mà chúng ta đang thụ hưởng để thấy rằng chuyển đổi số đã và đang mang lại những hình ảnh hiện đại, tích cực rõ ràng”, anh Nguyễn Chung Đức ở quận Bình Thạnh, TPHCM, chia sẻ.

Ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Nghị quyết 57), TPHCM tiếp tục đứng trước các vận hội để thúc đẩy các hoạt động KH-CN lên tầm cao mới. TPHCM thấy cần tạo đột phá và phát triển bền vững như kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế tri thức và đây xem như những “chân trời mới”.

Lãnh đạo TPHCM đã đặt ra chiến lược 1-4-1 (gồm: 1 trung tâm - 4 cao - 1 chiến lược). Cụ thể là 1 trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM; 4 cao: Trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu (đổi mới sáng tạo; AI; GIS; chip bán dẫn); Khu công nghiệp công nghệ cao; Giáo dục chất lượng cao; Y tế chất lượng cao; 1 chiến lược là hạ tầng chiến lược, trước mắt tập trung hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại và hạ tầng số.

Trưởng Ban Quản lý SHTP Nguyễn Kỳ Phùng chia sẻ: “SHTP đang hướng đến mô hình Công viên KH-CN, được định hình là một trung tâm nghiên cứu KH-CN đa ngành, đóng vai trò hạt nhân trong thúc đẩy tăng trưởng vùng Đông Nam bộ theo xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thuận lợi để hướng đến Trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu”.

TPHCM đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động để sớm đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống, như tại Hội thảo khoa học triển khai thực hiện Nghị quyết 57 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 11-3, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, trong năm 2025 và thời gian tới, thành phố sẽ sớm chủ động rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền trong hoạt động KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số nhằm khơi thông mọi nguồn lực hướng đến tăng trưởng hai con số; hình thành Trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị công phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Với nền tảng đã xây dựng trong nhiều năm qua cũng như quyết tâm ứng dụng KH-CN để phát triển thành phố, Nghị quyết 57 đã trở thành thời cơ để TPHCM khẳng định vị thế và tạo bước chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới. Với tinh thần triển khai nhất quán và đồng bộ, thành phố sẽ nhanh chóng tăng trưởng bền vững, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn khi Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục