LTS: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã kết thúc trong mùa xuân đại thắng, kể từ ngày 30-4-1975, nước nhà thống nhất, non sông liền một dải, đất nước trọn niềm vui. Chiến thắng như huyền thoại ấy đã thắm bao máu và nước mắt, bao gian khổ, hy sinh của đồng bào, đồng chí, của lớp lớp thanh niên thành phố và khắp các tỉnh thành cả nước, của các vùng căn cứ của Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định… 50 năm từ sau ngày lịch sử ấy, Sài Gòn - Gia Định - TPHCM đã và đang mạnh mẽ tiếp bước truyền thống, tự hào ghi dấu trong hành trình phát triển cùng kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Bao thế hệ đi vào kháng chiến, triệu trái tim chung khát vọng hòa bình, nhưng mấy ai dám chắc ngày về sum họp, có biết đâu là trận đánh cuối cùng. Trong gang tấc của làn tên mũi đạn, lớp người ngã xuống trước thềm thống nhất, người may mắn gặp lại gia đình sau mấy mươi năm vẹn nghĩa chờ nhau.
Người nằm xuống để cờ chiến thắng tung bay
Trong những ngày cuối cùng áp sát Sài Gòn, Lữ đoàn đặc công 316 là đơn vị hy sinh nhiều nhất, 52 đồng chí đã ra đi cận kề giờ phút chiến thắng, họ đã mãi nằm lại nơi vàm Rạch Chiếc trước thềm độc lập.
Lữ đoàn đặc công 316 có nhiệm vụ giữ, không cho địch phá cây cầu và mở đường cho xe tăng của quân giải phóng tiến về Dinh Độc Lập trong những ngày cuối tháng 4 năm ấy. Trong chiến dịch đó, tất cả những ai tham gia đều đeo dải băng đỏ trên cánh tay trái như một ký hiệu. Và dải băng đỏ năm ấy, một màu đỏ của niềm tin chiến thắng và cũng là máu đỏ của các anh, các chú, các bác đã mãi mãi nằm lại. Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thọ (Lữ đoàn đặc công 316, đơn vị Z23) nhớ lại: “52 anh em đã mất, nhưng chỉ tìm được 9 người thôi…”.

Ông Nguyễn Đức Thọ, người được giao nhiệm vụ bắn phát B40 đầu tiên, tiêu diệt tháp canh và làm hiệu lệnh chung cho toàn trận đánh. 5 giờ ngày 30-4-1975, toàn bộ đơn vị đồng loạt nổ súng, tiếng thủ pháo và lựu đạn nổ rền. Anh em nhanh chóng từ dưới nước vọt lên bám sát chân cầu nổ súng quyết liệt, chờ đến 7 giờ đón quân giải phóng vào (xe tăng đi đầu thuộc Lữ đoàn 203 - Quân đoàn 2 hay còn được gọi là Binh đoàn Hương Giang).
Trung úy Nguyễn Đức Thọ không quên niềm vui năm ấy: “Hơn 7 giờ sáng 30-4, lực lượng đi đầu của Quân đoàn 2 dùng pháo trên xe tăng và súng 12,7 ly bắn áp chế về cầu Rạch Chiếc. Từ vị trí chiến đấu, chúng tôi phát hiện trên xe tăng có cờ giải phóng. Khi xe đến đầu cầu, mọi người ùa ra reo mừng”.
Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng trong niềm xúc động phút giây thống nhất đang cận kề, rồi ai nấy nhanh chóng về vị trí, tiếp tục nhiệm vụ. Trận cầu Rạch Chiếc đánh từ tối 27 đến 30-4-1975, trận đánh lớn nhất và gần nội đô Sài Gòn nhất, người lính đặc công năm ấy cũng chiến đấu với tinh thần hiên ngang nhất. “Hồi đó, đang đi học, tôi tình nguyện nhập ngũ, lên đường vào Nam. Bao nhiêu người tình nguyện, bao nhiêu người hy sinh thì mình có là gì đâu. Lúc đó, chỉ mong ngày giải phóng rồi trở về nhà với gia đình”, cựu chiến binh Lại Ngọc Trãi (Lữ đoàn đặc công 316) xúc động nhớ lại.
Nhớ mãi hình ảnh lá cờ trong ngày giải phóng
“Đây là trụ sở chỉ huy của lực lượng thanh niên, sinh viên 5 khu vực trong nội thành 50 năm trước cô và đồng đội chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Thời điểm ấy, không ai biết ngày giờ khởi nghĩa, chỉ biết nhiệm vụ được giao thì phải hoàn thành thật tốt”, bà Trương Mỹ Lệ (bí danh Tư Liêm) - khi ấy được giao Quyền Bí thư Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định, xúc động khi giới thiệu với chúng tôi về căn gác phía sau căn nhà số 115 Bàn Cờ (quận 3, TPHCM), khi bà cùng đồng đội trở về thăm nơi 50 năm trước cùng nhau chiến đấu và mừng chiến thắng.
Tiếp lời bà Tư Liêm, ông Lê Quang Hùng (năm nay 68 tuổi, con trai chủ căn nhà số 115 Bàn Cờ, 50 năm trước là học sinh Trường Kỹ thuật Cao Thắng) chỉ tay về căn nhà đối diện, nói: “Hơn 10 giờ sáng 30-4-1975, tôi được lệnh treo 2 lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Tôi vội lên nóc căn nhà bên ấy treo một lá cờ, sau đó chạy về treo thêm một lá cờ nữa trên nóc nhà bên đây; còn ở hai đầu đường Bàn Cờ, căng băng rôn có nội dung “Hoan hô Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.
Để chuẩn bị cho chiến dịch, bà Tư Liêm cho biết, vào tháng 3-1975, nhận nhiệm vụ do đồng chí Mai Chí Thọ giao phó, bà rà soát chuẩn bị lực lượng thanh niên, sinh viên nội thành có thể công khai và bán công khai phát động khởi nghĩa tại 5 khu vực, gồm: Bàn Cờ - Ngã Bảy - Vườn Chuối (quận 3); Cầu Bông - Đa Kao - Gia Định (quận 1); Cầu Kiệu - Phú Nhuận (quận Phú Nhuận); Khánh Hội - Xóm Chiếu (quận 4) và Tân Phú - Tân Sơn - Bà Quẹo (quận Tân Bình).
“Trước đó, chúng tôi còn trang bị vũ khí mang từ bên ngoài vào (các loại súng ngắn, lựu đạn...). Học sinh, sinh viên Trường Kỹ thuật Cao Thắng còn chế tạo một số vũ khí để tự vệ. Chúng tôi cùng bà con chuẩn bị cả lương khô, may cờ, làm khẩu hiệu, in tài liệu…”, bà Tư Liêm nhớ lại.
Trong nhóm tại khu vực Bàn Cờ, gia đình ông Hùng được giao may cờ, in truyền đơn, chuẩn bị lương thực, thực phẩm. 10 ngày trước giải phóng, mẹ của ông Hùng, vốn là tiểu thương chợ Bến Thành, đã khéo léo mua vải màu vàng ở chợ Bến Thành, vải màu xanh ở chợ Bàn Cờ, vải màu đỏ ở một chợ khác chuẩn bị may cờ...

Thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975 như lại ùa về trong câu chuyện rộn ràng của những người đồng đội năm nào. Bà Tư Liêm nhớ như in: Khi ông Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, tuyên bố đầu hàng, lực lượng thanh niên vũ trang trở thành những người nắm chính quyền lâm thời trước khi bàn giao cho lực lượng quân quản. Chúng tôi mỗi người đều đeo băng đỏ ở tay có hình 2 ngôi sao vàng để nhận diện. Nhiều bà con thấy thì rất ngạc nhiên: Trời, tụi bây là Việt cộng hả? Bởi mới hôm qua, bà con còn thấy chúng tôi là học sinh, thanh niên quen thuộc trong xóm.
Đã 50 năm trôi qua, nhưng bà Đoàn Lê Hương (bí danh Chín Dân) vẫn nhớ như in hình ảnh lá cờ có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương to lớn được cả xóm ở khu vực sau nhà thờ Nguyễn Tri Phương (quận 10) treo lên khi nghe tin ông Dương Văn Minh đầu hàng. Lá cờ này nhiều người dân trong xóm đã cùng may vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử.
Bà Đoàn Lê Hương là cựu tù chính trị, được trao trả tại Lộc Ninh vào tháng 3-1975. Vào giữa tháng 4-1975, bà cùng với 2 nữ cựu tù: Phạm Thị Sứ (Năm Bắc) và Nguyễn Thị Châu (Ba Châu) được Thành ủy Sài Gòn - Gia Định cử về quận 10 để làm công tác chỉ đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền. “Sau giây phút vui mừng, chúng tôi nghĩ ngay đến nhiệm vụ phải làm. Bởi chúng tôi hiểu công việc tiếp theo sẽ rất nhiều, rất nặng nề”, bà Đoàn Lê Hương cho biết.
Nhớ vị tướng gắn với chiến dịch mang tên Bác Hồ
Nhắc đến Đại tướng Văn Tiến Dũng, chúng ta nhớ đến vị danh tướng kiệt xuất của Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhất là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975…
Đại tướng Văn Tiến Dũng từng viết trong hồi ký Đại thắng Mùa Xuân: “Chỉ trong 55 ngày đêm, với quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tốc độ một ngày bằng 20 năm, quân và dân ta đã giành toàn thắng bằng 3 chiến dịch lớn: Chiến dịch giải phóng toàn bộ Tây Nguyên mở đầu bằng trận đánh Buôn Ma Thuột; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, quét sạch địch ở ven biển miền Trung và kết thúc là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định để dẫn tới giải phóng các tỉnh còn lại của Nam bộ. Hơn 1 triệu quân ngụy và toàn bộ bộ máy ngụy quyền bị đập tan, chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng trong 20 năm sụp đổ hoàn toàn”.
Những ngày đầu tháng 4 lịch sử, chúng tôi có cuộc trò chuyện với bà Văn Tuyết Mai, người con thứ ba của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng nằm yên bình trên một con phố nhỏ ở Hà Nội. Không gian giản dị nhưng trang trọng, lưu giữ kỷ vật ghi dấu từng cột mốc quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của ông.
Bà Văn Tuyết Mai chia sẻ, Đại tướng Văn Tiến Dũng rất ham đọc sách, đặc biệt là các tác phẩm văn học, triết học và quân sự. Ở phòng làm việc, ông luôn có 1 thư viện thu nhỏ với nhiều sách báo. Đây cũng là nơi ông ghi chép tỉ mỉ những nhận định và phân tích chiến lược. Ông đọc và giữ sách rất nghiêm cẩn, không bao giờ gấp mép sách để làm dấu mà luôn kẹp một miếng giấy nhỏ giữa các trang để đánh dấu vị trí đang đọc. Dù bận rộn với công việc, ông vẫn dắt các con đi thăm những di tích lịch sử, nhắc nhở các con về trách nhiệm và tình yêu Tổ quốc.
Trong những năm chiến tranh, tuy là vị tướng cấp cao, nhưng đời sống gia đình ông đơn giản, bữa cơm chỉ có lạc rang, trứng và chút thịt. Ông cũng giữ tính cách nghiêm khắc trong dạy dỗ con, không nuông chiều mà luôn nhắc nhở con phải sống tự lập, không ỷ lại danh tiếng của cha.