Một số người đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả khi những hoạt động bảo vệ môi trường được đưa lên mạng. Mặt khác, nhiều người cho rằng sự thay đổi do tình thế này có thể giảm bớt gánh nặng ô nhiễm cho môi trường do mọi hoạt động đều diễn ra ở nhà nên Trái đất sẽ “dễ thở” hơn.
Năm 2020 đánh dấu tròn 50 năm kể từ khi sự kiện Ngày Trái đất lần đầu tiên được tổ chức, cũng là năm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (được các nước ký kết 5 năm trước tại thủ đô nước Pháp) chính thức có hiệu lực. Với chủ đề “Hành động vì khí hậu”, Ngày Trái đất năm nay đặt ra vấn đề nhức nhối nhất của nhân loại: con người có thể không đạt mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái đất tăng ở mức 1,5°C, dẫn tới thảm họa khí hậu khôn lường, trừ khi có sự thay đổi chưa từng có mang tính phối hợp toàn cầu. Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã cảnh báo thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội tránh được thảm họa khí hậu nếu không giảm ngay lập tức lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo UNEP, lượng khí thải toàn cầu cần phải giảm 7,6% trong năm 2020 và tiếp tục giảm khoảng 7,6% mỗi năm cho đến năm 2030 để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C như cam kết đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thực tế khắc nghiệt là lượng khí thải làm nhiệt độ toàn cầu nóng lên đã tăng trung bình 1,5%/năm trong thập niên qua, lên mức kỷ lục 55,3 tỷ tấn CO2, vào năm 2018.
Ông Denis Hayes, đồng Chủ tịch Hội đồng quản trị Mạng lưới Ngày Trái đất, cho biết, dù việc tổ chức Ngày Trái đất đã góp phần đáng kể thúc đẩy thay đổi nhận thức và các hành động tiến bộ về bảo vệ môi trường nhưng hiện hành tinh xanh vẫn phải đối mặt với thách thức môi trường toàn cầu thậm chí còn khủng khiếp hơn, từ mất đa dạng sinh học đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải nhựa….
Đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới được xem như lời nhắc nhở nghiêm túc rằng, con người và Trái đất rất dễ tổn thương khi đối mặt với các mối đe dọa quy mô toàn cầu. Những tuần qua, do dịch bệnh, Trái đất có vẻ được “nghỉ ngơi” khi con người giảm hoạt động. Tuy nhiên, môi trường sạch hiện nay chỉ tồn tại trong ngắn hạn bởi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ tăng lên khi con người trở lại nhịp sống trước đây cũng như hoạt động kinh tế khôi phục thời hậu Covid-19. Do đó, giới chuyên gia môi trường khuyến cáo rằng, mỗi người nên bắt đầu từ những hành động giản đơn như nhặt rác, tắt đèn và vòi nước khi không cần thiết, trồng cây, khuyến khích những người xung quanh tích cực hành động bảo vệ môi trường sống…
Trong giai đoạn thách thức của đại dịch Covid-19, Ngày Trái đất được xem là cơ hội đoàn kết hàng trăm triệu người trên thế giới để truyền cảm hứng cho hành động chống biến đổi khí hậu cũng như chống tình trạng suy thoái môi trường, ngay cả khi sự kiện này diễn ra trực tuyến. Với sức mạnh của truyền thông số hóa, cộng đồng quốc tế sẽ được kết nối mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến bảo vệ môi trường sống trên Trái đất.