Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, hiện nay cả nước đã có 418 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129.900ha. Các doanh nghiệp trong KCN đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Những con số và phân tích trên đây cho thấy rằng sự phát triển của các KCN đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như phát triển bền vững các KCN sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (NetZero) vào năm 2050.
Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác của Việt Nam, các KCN Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi mô hình cũng như cách thức vận hành theo hướng “xanh hóa”, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, kết quả khảo sát của đơn vị này vừa qua cho thấy, có tới 50% doanh nghiệp trong các KCN cho biết chưa từng nghe và biết đến khái niệm KCN phát triển bền vững. Chỉ có 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái và chỉ có 20% là hiểu rõ KCN phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối giữa kinh tế với môi trường, xã hội và quản trị. Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, hơn 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Kết quả trên đã cho thấy một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc phát triển bền vững các KCN.
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp cho rằng để đạt được yêu cầu của KCN bền vững vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ như vấn đề nguồn vốn, tài chính và làm rõ các định quy định pháp lý.
Đầu tiên là về nguồn vốn và tài chính. Các KCN phần lớn được phát triển theo giai đoạn “cuốn chiếu”, việc đầu tư một cách đồng bộ toàn bộ hệ thống các phân khu chức năng và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống hoàn thiện điện nước thì cần nguồn vốn lớn và phải đầu tư ngay từ ban đầu.
Tiếp đó là đến từ năng lực cũng như các quy định pháp lý của Nhà nước. Hiện nay, rất nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho khu công nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình.
Đơn cử, trong Nghị định 35/2022 có giới thiệu về mô hình KCN sinh thái, khi nói về việc KCN tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn có đưa ra một chỉ tiêu cụ thể đó là phải có 20% doanh nghiệp trong khu phải thực hiện các sản xuất sạch hơn. Nhưng quy định này không cụ thể thế nào là “sạch hơn” hay như thế nào là “sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn”. Trong khi để sử dụng tài nguyên sạch hơn, hiệu quả hơn, thì bản thân KCN và các doanh nghiệp trong khu cũng phải đầu tư một nguồn tài chính rất lớn để thay đổi toàn bộ công nghệ, dây chuyền.
Về phía Bộ KH-ĐT, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH-ĐT sẽ nỗ lực để phát triển các mô hình KCN mới theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trên cơ sở thể chế hóa mô hình này tại các văn bản pháp quy.
“Về cơ chế hỗ trợ, chúng tôi nhấn mạnh vai trò của UBND các tỉnh trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp, để hỗ trợ việc kết nối và thực hiện các sáng kiến khu công nghiệp sinh thái, cũng như chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong khu công nghiệp”, bà Hiếu nhấn mạnh.