Ngày 4-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tự chủ đại học (ĐH) năm 2022. Báo cáo của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trình bày về kết quả tự chủ ĐH vừa qua nêu rõ, năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017. Triển khai Nghị quyết này với 23 trường tham gia, hệ thống GDĐH đã có bước tiến dài về lực, các nguồn lực được khơi thông và năng lực của cơ sở đào tạo được phát huy tối đa. Hiện nay, đã có 142/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật GDĐH sửa đổi.
Về tài chính, đến thời điểm hiện tại, 32,76% trường ĐH đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,79% trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên. Số trường chưa bảo đảm chi thường xuyên nhưng có kế hoạch trong thời gian sắp tới chiếm khoảng 16,38%. Tỷ lệ các trường hiện đang được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác là rất thấp (chiếm 3,45%). Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn 1/3 số lượng các trường ĐH công lập trong hệ thống bảo đảm một phần chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác.
Từ 2018 đến 2021 tổng thu của các cơ sở GDĐH tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm; thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý.
Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%. Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.
Năm 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm chiếm 26,2% trong khi năm 2021 chỉ còn 12,7%; tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu đồng/năm 2018 là 57,5% và chỉ còn 46,3% năm 2021. Giảng viên có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu đồng/năm trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ (2018-2021).
Trong tốp 5 trường ĐH có tổng thu trên 1.000 tỷ đồng/năm có 2 trường đại học tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP và 3 trường tư thục tự chủ (gồm Trường ĐH FPT, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Công nghệ TPHCM).
Trong tốp 10 trường tham gia khảo sát có tổng thu cao nhất, có 5 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM), 1 trường đại học công lập tự chủ (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM) và 4 trường đại học tư thục (Trường ĐH FPT, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Công nghệ TPHCM và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành). Có 14 trường trong danh sách các trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP trong danh sách 30 trường có tổng thu cao nhất năm 2021.
Bộ GD-ĐT đánh giá kết quả trên đạt được là nhờ việc đa phần các trường tích cực triển khai tự chủ tài chính toàn diện và sâu rộng. Khoảng 90% trường tham gia khảo sát nhận định các chính sách về tự chủ, quy chế tài chính và chi tiêu nội bộ thuận lợi trong triển khai và chính sách mang lại tác động tích cực cho các trường.
Trong số các kiến nghị về tự chủ ĐH mà Bộ GD-ĐT đưa ra, có kiến nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan đến hoạt động tự chủ của cơ sở GDĐH; sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng cho phép các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT được chuyển số dư kinh phí, chế độ chính sách của người học sang năm sau để tiếp tục thực hiện đúng mục tiêu hỗ trợ cho người học; đầu tư tập trung cho một số cơ sở GDĐH mạnh, nhất là trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để hình thành một số cơ sở GDĐH đẳng cấp quốc tế, tiên phong, có vai trò, nhiệm vụ dẫn dắt hệ thống, tạo động lực dẫn dắt phát triển khoa học công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội.