Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Quốc gia, một đợt mưa lớn sắp xuất hiện ở miền núi phía Bắc, sau đó sẽ lan dần xuống các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng và Bắc miền Trung. Các tỉnh miền núi có lặp lại hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại Lai Châu và Yên Bái.
Đây cũng là những nơi vừa xảy ra 2 đợt mưa lũ nặng nề, đợt thứ nhất làm 33 người thiệt mạng và mất tích, đợt thứ hai thêm 34 người (hai đợt chỉ cách nhau chưa đầy 1 tháng).
Ngoài ra, trong đợt mưa lũ mới này, các tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ sẽ gia tăng ngập lụt do nước lũ từ đợt mưa trước vẫn chưa tiêu thoát hết.
Từ hôm qua đến sáng nay 26-7, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Quốc gia liên tục phát các bản tin cảnh báo một đợt mưa lũ mới sắp tái diễn ở miền Bắc.
Qua theo dõi các mô hình và vệ tinh, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Quốc gia cho biết, sáng nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên có mưa to, lượng mưa từ 3 đến 5 giờ tại trạm Lăng Quán: 41mm, Kiến Thiết: 15.6mm (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang); tại trạm Thái Hòa: 40.8mm (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang); tại trạm Phú Đình: 20.4mm (huyện Định Hóa, Thái Nguyên)
Theo nhận định trong những giờ tiếp theo, khu vực này tiếp tục có mưa to với tổng lượng mưa có khả năng đạt 30-50mm.
Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, đặc biệt nguy cơ xảy ra cao tại huyện: Yên Sơn, Hàm Yên (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên).
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Lai Châu cũng có mưa to, lượng mưa đo trong 2 giờ tại trạm Nậm Cuổi: 46mm, Nậm Tăm: 39mm, Căn Co: 20mm (tỉnh Lai Châu); tại trạm Tả Phìn 42mm (tỉnh Điện Biên).
Trong ngày 26-7, khu vực này tiếp tục có mưa, tổng lượng mưa đạt 10 – 20mm có nơi trên 40mm. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Điện Biên, đặc biệt cao tại huyện: Sìn Hồ (Lai Châu), Tủa Chùa (Điện Biên).
Đây là những khu vực nằm ở thượng nguồn sông Đà.
Ngoài ra, từ đêm qua (25-7) đến sáng nay 26-7, ở Bắc bộ và Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như Bắc Quang (Hà Giang) 111mm, Sìn Hồ (Lai Châu) 72mm, Hàm Yên (Tuyên Quang) 71mm, Hưng Yên 76mm.
Hiện nay, mực nước thượng lưu sông Thao và sông Lô đang lên chậm. Theo dự báo, từ ngày 26-7 ở Bắc bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ đêm ngày 27-7, mưa to đến rất to có xu hướng tập trung ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ và có khả năng kéo dài đến đầu tháng 8.
Nguyên nhân của đợt mưa lũ lần này là do đang xuất hiện 1 dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Trung bộ tiếp tục hoạt động mạnh.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, ngày và đêm nay 26-7, ở Bắc bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố lốc và gió giật mạnh.
Từ đêm mai (27-7), mưa to đến rất to có xu hướng tập trung ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An.
Từ ngày 26 đến 31-7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An sẽ xuất hiện lũ, trên thượng lưu sông Thao có thể lên báo động 3, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An lên mức báo động 1-2, riêng sông Bưởi (Thanh Hóa) khả năng lên mức báo động số 3.
Sau khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Semanoi tại Nam Lào, hiện nay nhiều người không khỏi lo lắng cho sức khỏe của hàng ngàn hồ đập thủy điện, thủy lợi trước mỗi đợt mưa lũ lớn, nhất là các hồ đập lớn ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Tuy nhiên vào ngày 26-6 vừa qua, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh đã chủ trì phiên họp của Hội đồng Tư vấn khoa học và công nghệ về an toàn hệ thống thủy điện trên sông Đà tại tỉnh Sơn La để đánh giá tình trạng an toàn của các thủy điện bậc thang trên sông Đà trong mùa mưa lũ năm 2018.
Tham gia cuộc họp gồm có Tổ chuyên gia độc lập, đại diện Bộ KH-CN, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Viện Vật lý địa cầu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
Tại cuộc họp này, Hội đồng Tư vấn khẳng định các nhà máy thủy điện bậc thang trên sông Đà đủ điều kiện chống lũ và tích nước năm 2018.
Hội đồng Tư vấn đánh giá cao EVN và các đơn vị quản lý 5 nhà máy thủy điện trên bậc thang sông Đà (gồm Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ vận hành công trình, điều tiết hồ chứa hợp lý, vừa góp phần giữ vững an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Kết quả quan trắc, đo đạc cho thấy các công trình đang vận hành an toàn và ổn định. Công tác phòng chống bão lũ năm nay được chuẩn bị chu đáo, tuân thủ đúng quy định và đủ điều kiện chống lũ và tích nước năm 2018.
Ông Chu Ngọc Anh đề nghị Bộ TN-MT xem xét triển khai hệ thống quan trắc mưa tự động; hướng dẫn việc xây dựng các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực sông Đà để nâng cao chất lượng dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong quá trình quản lý vận hành; đồng thời cần xây dựng các phương án dự báo lũ lớn trong điều kiện không có đầy đủ thông tin về chế độ vận hành của các hồ chứa từ Trung Quốc.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cần tiếp tục đầu tư công nghệ dự báo, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc mưa, quan trắc thủy văn trên thượng nguồn sông Đà để nâng cao khả năng phát hiện lũ sớm, nâng cao chất lượng dự báo mưa trong khu vực nhỏ, cũng như dự báo đỉnh lũ, nhận định thời gian xuất hiện đỉnh lũ.
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cũng đề nghị Bộ Công thương giao EVN xây dựng thí điểm trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang sông Đà trong năm 2018.
Báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vào ngày 25-7, đại diện Bộ Công thương cho biết, hệ thống các hồ đập thủy điện đã được rà soát mực nước từ đầu mùa mưa lũ đến nay và hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát. Trước tình hình mưa lũ gia tăng phức tạp, Bộ Công thương đã chỉ đạo kiểm tra tất cả các vị trí trọng yếu nhưng đều đảm bảo vận hành đúng quy trình.