Tiện ích
Theo ông Perry, Indonesia đã kết nối hệ thống thanh toán với Thái Lan và sắp tới với Malaysia và Singapore, song không tiết lộ chi tiết về thỏa thuận với Philippines. Cuối tháng 8 vừa qua, BI và Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã nhất trí hợp tác thanh toán bằng mã QR giữa 2 nước nhằm khuyến khích kết nối thanh toán trong ASEAN. Sáng kiến này đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc tăng cường hợp tác tài chính giữa Indonesia và Singapore. Kế hoạch sẽ được triển khai trong nửa cuối năm 2023, cho phép người dùng thanh toán nhanh chóng, an toàn và hiệu quả bằng cách quét mã QRIS của Indonesia hoặc mã NETS của Singapore.
Sáng kiến này là cột mốc quan trọng trong kế hoạch tổng thể xây dựng hệ thống thanh toán Indonesia 2025. Chuyên gia Nailul Huda của Viện Phát triển tài chính và kinh tế thủ đô Jakarta cho biết, sắp tới, ngoài thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ của VISA, Mastercard hoặc American Express, khách hàng Indonesia có thể sử dụng các nền tảng thanh toán điện tử GoPay, OVO và DANA của Indonesia bên ngoài lãnh thổ nước này. Điều này giúp ích rất nhiều cho các khách hàng sử dụng nền tảng thanh toán điện tử trong nước khi họ thực hiện giao dịch ở các quốc gia khác trong ASEAN.
Thúc đẩy phát triển kinh tế số
Theo BI, sáng kiến khuyến khích số hóa các khoản thanh toán xuyên biên giới là ưu tiên của Indonesia trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2022 và Hội nghị thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN vào tháng 4-2022. Sáng kiến này phù hợp với nỗ lực của G20 nhằm khắc phục những trở ngại tiềm ẩn trong các hoạt động thanh toán xuyên biên giới trên toàn cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo của công ty Research and Markets, trụ sở tại Dublin (Ireland), hoạt động thanh toán xuyên biên giới và chuyển tiền toàn cầu sẽ đạt mức 39.900 tỷ USD vào năm 2026. Con số này thật sự ý nghĩa với ASEAN, nơi có 400 triệu người kết nối với internet. “Với việc thanh toán bằng quét mã QR, khách hàng có thể dễ dàng chuyển tiền cho người thân của họ thông qua các ứng dụng thanh toán điện tử với chi phí thấp hơn và minh bạch hơn. Ngoài ra, họ có thêm sự lựa chọn, như gửi tiền qua QRIS thay vì Western Union chẳng hạn”, Bhima Yudhistira, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu luật và kinh tế, ở Jakarta, phân tích.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc đẩy mạnh thanh toán xuyên biên giới đồng nghĩa với việc người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ phí giao dịch thấp hơn, thông quan nhanh hơn và thủ tục giấy tờ dễ dàng hơn. Đây là chìa khóa để giảm bớt những xích mích trong thương mại quốc tế do các hệ thống thanh toán cũ, lạc hậu. Những đổi mới về công nghệ sẽ giúp thúc đẩy cả thanh toán kỹ thuật số và thương mại, từ đó đẩy nhanh sự hợp tác của các nền kinh tế kỹ thuật số. Các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí bắt đầu đàm phán về Thỏa thuận khung kinh tế kỹ thuật số vào năm 2025. Những nỗ lực không ngừng trong việc thiết lập các hệ thống thanh toán tương thích ở ASEAN vẫn là một nhiệm vụ quan trọng. Khu vực này sau đó sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế số, dựa vào một mạng lưới thanh toán khu vực mạnh mẽ.