Ngày 12-9, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC. Hội nghị kết nối trực tuyến tới tất cả các địa phương trên cả nước.
Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7.000 tỷ đồng và trên 7.500ha rừng.
Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỷ đồng.
Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị chiếm khoảng trên 60%. Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.
Mặc dù lãnh đạo các cấp đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ nhưng số vụ cháy vẫn xảy ra nhiều, một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng chưa xây dựng cơ chế quản lý, giám sát việc lắp đặt hệ thống thiết bị điện phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở, tại hộ gia đình theo quy định của pháp luật về xây dựng nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ nguyên nhân do sự cố điện và thiết bị điện.
Bộ Công thương chưa có kết quả cụ thể về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện để bảo đảm an toàn về PCCC tại các cơ sở, hộ gia đình (theo yêu cầu của Chính phủ phải hoàn thành trong quý IV-2021.
Bộ GD-ĐT chưa hoàn thành nhiệm vụ hoàn thiện tài liệu, giáo trình, bài giảng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC, cứu hộ cứu nạn để lồng ghép vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm trong cơ sở giáo dục phù hợp với từng cấp học (theo yêu cầu của Chính phủ phải bắt đầu thực hiện từ năm học 2021 - 2022).
Bộ KH-CN chưa ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật về sản phẩm điện theo quy định.
Công tác xây dựng và phát triển lực lượng phòng cháy tại chỗ còn nhiều bất cập. Việc xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng chưa đảm bảo yêu cầu thực tế; trang thiết bị, phương tiện PCCC, cứu hộ cứu nạn còn thiếu; hoạt động mang tính hình thức.
Đối với đội PCCC chuyên ngành, chưa đảm bảo theo quy định (hiện còn 174 cơ sở chưa thành lập được Đội PCCC; trong đó có 96 Đội PCCC chuyên ngành chưa trang bị được xe chữa cháy). Chất lượng tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ còn hạn chế, khả năng xử lý các tình huống sự cố, tai nạn phức tạp còn nhiều khó khăn.
Bộ Công an đề nghị đối với công tác chữa cháy phải xác định "thời điểm vàng" để chữa cháy, không quá 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Vì vậy, phải huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi vụ cháy mới xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm: Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân và chỉ huy cũng ở trong dân.
Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ để sửa đổi, bổ sung ban hành mới, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Sớm hoàn thành các quy chuẩn an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở kinh doanh đặc thù, nhạy cảm như karaoke, vũ trường, quán bar…
Bộ Công thương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện để bảo đảm an toàn về PCCC tại các cơ sở, hộ gia đình để giảm thiểu các nguy cơ cháy, nổ, sự cố.
Bộ GD-ĐT khẩn trương đưa việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC, cứu hộ cứu nạn trong chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong các cơ sở giáo dục vào chương trình học năm 2022-2023.
Bộ LĐTB-XH nghiên cứu, bổ sung công việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nghiên cứu, đề xuất tăng mức phụ cấp đặc thù cho lực lượng.
Bộ KH-CN khẩn trương ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm điện theo quy định.
Bộ Công an đề nghị UBND các địa phương khẩn trương ban hành các nghị quyết, chỉ thị về tăng cường chỉ đạo công tác PCCC, có chế tài xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan có chức năng quản lý về PCCC nếu thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC, kiên quyết thu hồi giấy phép, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về PCCC.
Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả pháp luật hình sự đối với các cơ sở kinh doanh không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy cố tình hoạt động để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng.