Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy, nêu rõ Luật Thư viện số 46/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2019 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm điều chỉnh, thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc phát triển, truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Sau 5 năm triển khai thi hành Luật Thư viện, mạng lưới thư viện tiếp tục được duy trì, củng cố và phối hợp với các thiết chế khác tạo thành môi trường văn hóa tại cơ sở phục vụ trực tiếp người dân. Hoạt động thư viện được chuẩn hóa, hiện đại hóa, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số và đẩy mạnh liên kết, chia sẻ giữa các thư viện ngày hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi đối tượng trong thời kỳ chuyển đổi số. Phát triển văn hóa đọc đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ,...
Mạng lưới thư viện trong cả nước tiếp tục được củng cố với hơn 53.000 thư viện, phòng đọc trải dài khắp cả nước. Tính đến cuối tháng 9 năm 2024, cả nước có Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện cấp tỉnh, 647 thư viện cấp huyện, gần 22.000 thư viện cấp xã và phòng đọc cộng đồng. Thư viện đại học có gần 400 thư viện, trong khi thư viện trường học có khoảng 27.000 thư viện...
Các thư viện chuyên ngành, lực lượng vũ trang và thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng cũng được duy trì. Ngoài nguồn kinh phí nhà nước, nhiều thư viện công cộng còn nhận được sách tài trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Thư viện trong lực lượng vũ trang được đảm bảo nguồn kinh phí và trang thiết bị phục vụ cán bộ, chiến sĩ.
Tuy nhiên, việc thực thi triển khai Luật Thư viện còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và bất cập cần tháo gỡ. Trong 5 năm qua, hoạt động thư viện tuy có đổi mới và khởi sắc nhưng chưa thực sự có bứt phá để thực hiện đúng vai trò của mình. Do đó, hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng triển khai Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thư viện, đồng thời đề xuất những nội dung mới chưa có trong quy định, những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Thư viện trong thời gian tới.
Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai và thực thi Luật Thư viện sau 5 năm. Các nội dung được đề cập bao gồm đánh giá tình hình thực hiện, các điều kiện bảo đảm và tuân thủ Luật, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai. Hội nghị cũng đề cập đến bài học kinh nghiệm và các vướng mắc cần tháo gỡ; các quy định về quản lý và phát triển mạng lưới thư viện, đổi mới hoạt động thư viện, xây dựng văn hóa đọc gắn liền với việc phát triển môi trường học tập suốt đời được đặc biệt chú trọng...