1. Với các chiến sĩ quân giải phóng, để có chiếc xe tăng T-59 húc đổ cánh cổng sắt trưa 30-4-1975 ấy, đã có biết bao máu xương phải đổ xuống trên hành trình dài dằng dặc, đi tới điểm kết thúc chiến tranh.
Từ những chiếc xe tăng PT-76 đầu tiên bất ngờ xuất hiện lần đầu tiên trong trận đánh Làng Vây tháng 2-1968 đến những chiếc xe tăng ẩn náu trong các cánh rừng cây cưa 3/4 gốc ngoại vi Buôn Ma Thuột tháng 3-1975, đã có không biết bao nhiêu con người ngã xuống theo những vòng xích bánh xe tăng.
Ngay trước thời điểm kết thúc chiến tranh chỉ vài giờ đồng hồ, Đại úy Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ của Lữ đoàn Xe tăng 203 còn hy sinh ở ngay cửa ngõ Sài Gòn trong trận đánh cầu Rạch Chiếc...
Đấy là một hành trình được tô bằng máu của các liệt sĩ để đi được đến ngày cuối cùng. Ngày 30-4, vì thế, không chỉ là ngày chiến thắng, mà còn là ngày mà máu ngừng đổ trên khắp đất nước Việt Nam.
Xe tăng 390 húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Ảnh: Françoise DEMULDER |
Còn đối với người dân sinh sống ở Sài Gòn, nay là TPHCM, suốt 48 năm qua, hình ảnh chiếc xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975 cũng là biểu tượng cho thấy cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm đã kết thúc. Không còn tiếng đại bác từ một nơi xa xôi nào đó đêm đêm dội về, tiếng bom ì ầm hay ánh hỏa châu vàng vọt trên bầu trời thành phố nữa. Chiến tranh đã qua thật rồi!
Nhiều năm sau đó, dù phải trải qua những ngày tháng đất nước quằn mình trong cơn đói, những gian khổ nhọc nhằn của một thời kỳ hậu chiến đằng đẵng, khổ sở trăm bề, kể cả hai cuộc chiến tranh ở biên giới hai đầu đất nước, nhưng điều hạnh phúc lớn nhất vẫn là cuộc chiến trong lòng đất nước đã chấm dứt. Không còn những người mẹ phải tiễn con ra trận, những người vợ vò võ ngóng chồng.
Vì thế, bức ảnh của nữ phóng viên người Pháp Françoise Demulder chụp xe tăng 390 húc đổ cổng sắt dinh Độc Lập 48 năm trước không chỉ là một bức ảnh về chiến tranh mà còn là bức ảnh lịch sử về một nền hòa bình đã đến với đất nước sau những tháng năm chiến tranh đằng đẵng.
2. Bức ảnh thứ 2 của phóng viên người Hà Lan Hubert van Es, khi đó làm cho hãng UPI, chụp khoảng 14 giờ 30 chiều 29-4-1975. Trong bức ảnh này, một chiếc máy bay trực thăng Huey đậu chon von trên nóc một tòa nhà cao tầng ở trung tâm Sài Gòn.
Nhiều người nhầm đó là nóc tòa sứ quán Mỹ nhưng thực ra, đó là sân thượng tòa nhà Pittman ở số 22 Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), một cơ sở mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Sài Gòn. Một dòng người đang theo chiếc cầu thang mỏng mảnh dẫn tới sân thượng nơi có chiếc trực thăng đang đậu để di tản khỏi Sài Gòn.
Di tản trên nóc tòa nhà ở trung tâm Sài Gòn ngày 29-4-1975. Ảnh: HUBERT VAN ES |
Chiếc máy bay trực thăng Huey bí danh Bell205 mang số hiệu N4 7004 này không phải của hải quân Mỹ làm nhiệm vụ trong chiến dịch di tản mà là của hãng Air America, một hãng hàng không vỏ bọc của CIA có nhiệm vụ di tản những yếu nhân trong chính quyền Sài Gòn. Trong bức ảnh, một người mặc thường phục đứng sát càng chiếc máy bay ngay rìa sân thượng làm nhiệm vụ đón người là nhân viên CIA tên O.B. Harnage.
Chiếc Bell205 này được thiết kế để chở tối đa chỉ 8 người nhưng theo lời thuật lại của người chụp bức ảnh, đã có khoảng 12-14 người chui được vào trong trước khi máy bay cất cánh ra biển. Trong số những “hành khách” may mắn chui được vào trong chuyến bay định mệnh ấy có tướng Trần Văn Đôn, nguyên là Tổng trưởng Quốc phòng cuối cùng của chính quyền Việt Nam cộng hòa; bác sĩ Trần Kim Tuyến, ông trùm mật vụ dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm...
Đã có 2 dấu ấn lịch sử được ghi lại chỉ trong một bức ảnh chụp ngày 29-4-1975 này.
Thứ nhất, nó là một hình ảnh biểu tượng không gì đầy đủ hơn về thất bại của người Mỹ sau hơn 20 năm can dự đầy máu và nước mắt trong chiến tranh Việt Nam. Hơn 58.000 binh sĩ Mỹ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam mà tên tuổi họ chỉ còn được lưu giữ trên bức tường đá hoa cương màu đen ở thủ đô Washington. Quân đội Mỹ, lực lượng được coi là hùng mạnh nhất thế giới trong nửa cuối thế kỷ XX, đến Việt Nam đã học được một bài học rằng họ có thể chiến thắng được những đội quân thiện chiến nhất trên thế giới, nhưng không thể chiến thắng một dân tộc yêu hòa bình!
Bức ảnh như là một dấu chấm hết cho những tham vọng của người Mỹ ở Việt Nam. Quá trình tái lập quan hệ giữa những đối thủ cũ đã diễn ra hết sức nhọc nhằn, không hề suôn sẻ, dễ dàng. Phải 20 năm sau khi bức ảnh lịch sử ngày 29-4-1975 được chụp, Việt Nam và Hoa Kỳ mới bình thường hóa bang giao, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.
Khía cạnh lịch sử thứ 2 trong bức ảnh của Hubert van Es chính là dòng người xếp hàng di tản nối đuôi nhau leo lên máy bay ở thời điểm ấy. Dòng người này sẽ còn kéo dài mãi ra trong những năm sau này, là những người sẽ định cư trên đất Mỹ để tạo nên một trong những cộng đồng người Việt đông nhất ở nước ngoài.
Trong 48 năm qua, dưới hình thức này hay hình thức khác, rất nhiều người trong số họ đã quay về, dẫu chỉ là thăm thân, đi du lịch hoặc đầu tư kinh doanh. Cũng có những người đơn giản muốn trở về chỉ để nhìn đất nước đổi thay ra sao nhiều năm sau ngày 30-4-1975.
Chỉ còn lác đác một số rất ít người lẻ loi gọi sự kiện diễn ra nhiều năm trước là “Tháng Tư Đen” hay “Ngày quốc hận”. Chính sách hòa hợp hòa giải đã kéo nhiều người Việt định cư ở Mỹ, nhiều người trong số họ ra đi trong những ngày cuối tháng 4-1975, trở về trong vòng tay Tổ quốc. Bức ảnh năm xưa chỉ còn là kỷ niệm về một thời quá vãng đã xa rồi.