Ngày 3-7, Văn phòng HĐND TP cho biết, Thường trực HĐND TP vừa có báo cáo giám sát kết quả thực hiện chính sách pháp luật về An toàn thực phẩm (ATTP) ở TPHCM trong hai năm 2015-2016 để phục vụ kỳ họp HĐND TP diễn ra từ ngày 4 dến ngày 6-7.
Báo cáo cho biết TPHCM có nhiều kênh phân phối và cung cấp sản phẩm thực phẩm đến người dân như 3 chợ đầu mối, 240 chợ truyền thống có kinh doanh ngành hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống; 186 siêu thị và hơn 880 cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, toàn thành phố còn có 46.950 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và khoảng 19.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố… Công tác phối hợp kiểm soát nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn luôn được quan tâm, chú trọng và đã lấy mẫu đối với hơn 7.960 mẫu thực phẩm chế biến các loại tại chợ, cửa hàng, siêu thị, thức ăn đường phố để kiểm tra.
Kết quả có gần 7.060 mẫu đạt và hơn 900 mẫu (khoảng 11,4%) mẫu không đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, qua công tác thanh, kiểm ra 30.070 lượt cơ sở thức ăn đường phố đã phát hiện gần 14.560 cơ sở (tỷ lệ hơn 48%) vi phạm.
"Nhằm cải thiện ATTP đối với thức ăn đường phố, Sở Y tế đã phối hợp với UBND quận, huyện và phường xã tập huấn, xác nhận kiến thức ATTP cho gần 23.200 người, khám sức khỏe cho hơn 18.800 người tham gia kinh doanh và phục vụ thức ăn đường phố. TPHCM còn xây dựng bốn phường điểm ở quận 4 (phường 12), quận 3 (phường 2), quận Tân Phú (phường Tân Thành) và quận Bình Tân (phường An Lạc A) kiểm soát về điều kiện ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố. Ngoài ra, một số quận, huyện tiếp tục xây dựng các phường, xã điểm kiểm soát ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố hoặc tuyến đường điểm không có thức ăn đường phố”, báo cáo của HĐND TP nêu.
Đánh giá chung, HĐND TP nhận xét công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình hợp lý đã mang lại hiệu quả tích cực, cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân. Hoạt động thanh tra và xử lý vi phạm ATTP tại các quận, huyện và phường xã, thị trấn triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành được đẩy mạnh và quyết liệt hơn. Điều này góp phần cải thiện tình hình ATTP, nâng cao ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tuy vậy, ý thức chấp hành các quy định về các quy định, điều kiện về ATTP của các cơ sở chưa cao, người dân vẫn sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Thức ăn đường phố và của hàng ăn uống chưa đăng ký kinh doanh, thiếu quy hoạch gây mất trật tự giao thông, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và chưa kiểm soát tốt các điều kiện chế biến, nguyên liệu chế biến, phụ gia sử dụng, bảo quản…
Nguyên nhân có phần do thói quen của một bộ phận người dân, trong đó có phần do công nhân, người lao động không đủ điều kiện nên chỉ quan tâm đến giá cả, ít quan tâm đến chất lượng ATTP. Cạnh đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP ở cấp thành phố còn mỏng; tuyến quận, huyện và phường xã, thị trấn - là nơi quản lý số lượng rất lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố nhưng chưa có lực lượng thanh tra chuyên ngành.
Vì vậy, Thường trực HĐND TPHCM đề nghị UBND TP tăng cường kiểm tra, xử phạt các vi phạm về ATTP, trong đó chú ý đến cửa hàng ăn uống và cơ sở chế biến chưa đăng ký kinh doanh, cơ sở giết mổ, các bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp thức ăn công nghiệp.
HĐND TP đề nghị UBND TP duy trì và nhân rộng toàn thành phố về mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện và phường xã, thị trấn nhằm tăng cường năng lực thanh tra, xử lý vi phạm về ATTP cho cấp quân, huyện và phường xã của thành phố.
Ngoài ra, HĐND TP cũng đề nghị UBND TP tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, giúp địa phương thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ quản lý, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.