450 kiều bào trên toàn cầu góp ý cho Việt Nam về chuyển đổi số và phát triển kinh tế

Kiều bào đề xuất thành lập một “tổ hợp tín dụng’’ (loan syndication), để cung cấp nguồn vốn không cần thế chấp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 

Ngày 30-10, tại TPHCM, UBND TPHCM và Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị kiều bào đóng góp hiến kế về chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam.

Tham dự phiên làm việc buổi sáng của hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Hơn 250 kiều bào tham dự trực tiếp và hơn 200 kiều bào kết nối trực tuyến với hội nghị từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

450 kiều bào trên toàn cầu góp ý cho Việt Nam về chuyển đổi số và phát triển kinh tế ảnh 1 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Mong được góp ý cho việc hoạch định chủ trương, chính sách và điều hành

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi cho hay, trong những năm gần đây, Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình chuyển đổi số đã tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội của nước ta, từ hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, đến vấn đề sản xuất kinh doanh, việc làm và sinh hoạt thường nhật của mỗi cá nhân.

450 kiều bào trên toàn cầu góp ý cho Việt Nam về chuyển đổi số và phát triển kinh tế ảnh 2 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi phát biểu khai mạc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, thì ý nghĩa, vai trò của công cuộc chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây có thể coi là đòn bẩy quan trọng giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, là cơ hội vô giá để phát triển đất nước.

Về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi thông tin, cộng đồng hơn 5,3 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc và học tập tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bằng các hoạt động phong phú và đa dạng, kiều bào đã chia sẻ về tình cảm, ủng hộ về trí lực, vật lực cho sự phát triển đất nước. Các chuyên gia, trí thức kiều bào đã nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về các vấn đề lớn của đất nước.

450 kiều bào trên toàn cầu góp ý cho Việt Nam về chuyển đổi số và phát triển kinh tế ảnh 3 Tiến sĩ Trần Kim Hồng - Kiều bào Australia. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trong phòng chống dịch Covid-19, kiều bào đã chung tay, đóng góp 34 tỷ đồng và giờ đây, kiều bào đang tích cực đóng góp, ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bão lũ.

“Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng và đánh giá cao những đóng góp đó, đồng thời luôn mong muốn cộng đồng kiều bào đồng hành và tiếp tục đóng góp về trí tuệ và vật lực để đất nước phát triển hơn nữa”, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi nhấn mạnh.

Trong hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi mong muốn các chuyên gia, trí thức kiều bào thảo luận hiệu quả, đóng góp ý kiến thiết thực cho công tác hoạch định chủ trương, chính sách và điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của TPHCM. Trong đó, tập trung vào chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng đô thị thông minh.

Trân quý đóng góp, hiến kế của kiều bào

Thay mặt Chính quyền TPHCM phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, bày tỏ trân quý tấm lòng của kiều bào. Dù ở “nơi đất khách quê người” với muôn trùng khó khăn nhưng trái tim của những người con xa xứ vẫn luôn hướng về Tổ quốc thân yêu, tích lũy nguồn lực trở về quê hương đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà. Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, tình cảm đó rất trân trọng và đáng quý, là sự cổ vũ để TPHCM phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc thực hiện “nhiệm vụ kép”. Bởi lẽ, TPHCM là một đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế của cả nước; sự tăng trưởng chậm lại của TPHCM sẽ tác động trực tiếp đến phục hồi kinh tế cả nước.

450 kiều bào trên toàn cầu góp ý cho Việt Nam về chuyển đổi số và phát triển kinh tế ảnh 4 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đồng chí Nguyễn Thành Phong thông tin, cả nước và TPHCM đã đẩy mạnh thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Điểm nhấn là tăng cường hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xúc tiến du lịch nội địa và tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số để tận dụng những cơ hội trong thách thức và tạo sự bứt phá trong phát triển.
450 kiều bào trên toàn cầu góp ý cho Việt Nam về chuyển đổi số và phát triển kinh tế ảnh 5 Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT-TT Nguyễn Trọng Đường. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Về tình hình hiện nay của TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ, dưới tác động của dịch Covid-19, lần đầu tiên kinh tế TPHCM tăng trưởng dưới 1,2%. Lần đầu tiên, TPHCM có trên 29.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 149.000 tỷ đồng, làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 25.000 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 10-2020). Trong đó, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành bị sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động.

Với vai trò là một đô thị lớn, trung tâm nhiều mặt của cả nước, TPHCM đóng góp 23% GDP và 27% thu ngân sách cả nước, sự phục hồi kinh tế của thành phố có ý nghĩa quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của cả nước. Do đó, ngoài những nội dung góp ý cho sự phát triển của đất nước, Chủ tịch UBND TPHCM cũng mong muốn các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào thảo luận sâu hơn các giải pháp phát triển TPHCM trong trạng thái bình thường mới. Đồng chí Nguyễn Thành Phong tin tưởng, có sự đồng hành của kiều bào và với sự gắn kết, tình cảm của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào, TPHCM sẽ sớm trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.

Ông TRẦN QUỐC PHƯƠNG, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư:  Tập trung thử nghiệp các sản phẩm, mô hình, công nghệ mới

450 kiều bào trên toàn cầu góp ý cho Việt Nam về chuyển đổi số và phát triển kinh tế ảnh 6 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tham luận. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trong 9 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng GDP của Việt Nam ước đạt 2,12%, là mức tăng thấp trong các năm qua nhưng vẫn là nền kinh tế hiếm hoi có mức tăng trưởng dương và đang có dấu hiệu phục hồi trong điều kiện bình thường mới.

Để thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, thì chuyển đổi số, phát triển kinh tế số phải được coi là ưu tiên quốc gia và động lực tăng trưởng mới trong tương lai. Trong đó, tập trung vào xây dựng chính sách thử nghiệm (Sandbox) để cho phép thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới tại Việt Nam, như: thanh toán điện tử, đô thị thông minh…

Đồng thời, thúc đẩy xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối vạn vật; tiếp tục xây dựng mạng viễn thông băng rộng, từng bước hình thành hạ tầng mạng thông tin di động 5G phục vụ cho phát triển nền kinh tế số, xã hội số.


TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU (kiều bào Mỹ, chuyên gia tài chính ngân hàng): Cần cho doanh nghiệp vay tín chấp để vượt qua khó khăn

Về giải pháp tài chính cho DN nhằm khắc phục tác động của dịch Covid-19, tôi đề xuất thành lập một “tổ hợp tín dụng’’ (loan syndication) với mục đích cung cấp nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và vốn để thực hiện quá trình chuyển đổi số cho DN.

Theo đó, tất cả các ngân hàng đều phải tham dự vào tổ hợp này, với tỷ lệ tham gia tương đương 3-3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay là 8,7 triệu tỷ đồng, nếu tham gia với tỷ lệ 3-3,5%, hệ thống ngân hàng sẽ có một tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng.

Đây sẽ là chính sách của Chính phủ và các ngân hàng nội lẫn ngoại hoạt động tại Việt Nam phải tham gia. Dùng tổ hợp này để cho các DN đang khó khăn vì dịch bệnh vay. DN có thể vay tối đa một số tiền không vượt quá 3 lần giá trị thực dương của vốn điều lệ. Điều kiện vay phải là vay tín chấp, DN phải được vay tín chấp, chứ còn đòi hỏi thế chấp thì không thể nào cho vay được. DN đang rất khó khăn.


GS. HÀ TÔN VINH (kiều bào Mỹ, chuyên gia tư vấn tài chính cơ sở hạ tầng): Phát triển kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững

450 kiều bào trên toàn cầu góp ý cho Việt Nam về chuyển đổi số và phát triển kinh tế ảnh 7 Giáo sư Hà Tôn Vinh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trong dài hạn, Chính phủ và doanh nghiệp nhất thiết phải tính đến chuyện chuyển hướng nền kinh tế tiêu thụ truyền thống sang nền kinh tế số và nền kinh tế tuần hoàn. Nền kinh tế tuần hoàn (circular economy) là một mô hình kinh tế khá mới mẻ. Kinh tế tuần hoàn đi đôi với sự phát triển công nghệ số, công nghệ sinh học, và nền kinh tế số của một quốc gia. Nền kinh tế tuần hoàn áp dụng một quy trình gọi là 5-R, gồm việc tái sử dụng (reuse), sửa chữa (repair), tân trang (refurbishment), tái sản xuất (remanufacturing) và tái chế (recycling). Vòng tròn 5-R giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như giảm mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải.

Nền kinh tế tuần hoàn là một mô hình hợp tác công tư hoàn hảo. Chính phủ không bị thêm nhiều áp lực tìm và mua tài nguyên quý hiếm, đắt đỏ từ thị trường quốc tế. Chính phủ có thể hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp với các chính sách tài trợ việc nghiên cứu các sản phẩm và dịch vụ kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp sẽ thấy các hoạt động kinh tế tuần hoàn hấp dẫn và cần thiết khi chi phí đầu vào thấp, lợi nhuận gia tăng, và áp lực tìm nguồn cung cấp nguyên liệu giảm đáng kể. Sản phẩm không phải bán, sử dụng, rồi vất bỏ mà có thể cho thuê ngắn hạn hay dài hạn, có thể được trao đổi, sửa chữa, nâng cấp… 

Nhìn vào tác động tiêu cực của nền kinh tế tiêu dùng truyền thống đối với vật liệu, tài nguyên thiên nhiên, ai cũng thấy kinh tế tuần hoàn là giải pháp tối ưu và cần thiết. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và bài học của các nước đã thành công trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, như các nước Bắc Âu, Canada, Nhật Bản, Singapore… Việc Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam chung tay phát triển kinh tế tuần hoàn chắc chắn sẽ giúp xã hội và doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục