Ngày 4-10, HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 10-2020 với chủ đề “Công tác cải cách hành chính (CCHC) về hộ tịch – Thực trạng và giải pháp”.
Hộ tịch gồm rất nhiều sự kiện (khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; khai tử…) liên quan đến mỗi con người từ khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành, mất đi. TPHCM đã chú trọng CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch; song, việc CCHC ở lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều cử tri phản ánh, họ mất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần làm giấy tờ hộ tịch.
Sống nhưng chưa được khai sinh, chết lại chưa được khai tử
Cử tri Nguyễn Văn Hiếu (ngụ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM), phản ánh, mẹ của anh là bà Nguyễn Thị Thủy đã 45 tuổi mà đến nay vẫn chưa được đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, chưa được cấp giấy tờ tùy thân. Gia đình đã liên hệ với phường để làm giấy khai sinh nhưng chưa nhận được kết quả trả lời.
Còn cử tri Lương Thị Ba (ngụ xã Long Thới, huyện Nhà Bè), tốn 7 năm chưa làm xong thủ tục nhận con nuôi. Năm 2013, bà Ba nhận nuôi một bé gái. Từ đó tới nay, bà Ba vẫn chưa được giải quyết thủ tục nhận con nuôi để làm các giấy tờ cho con đi học.
Bà Huỳnh Thị Hồng Ngọc, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND xã Long Thới cho hay, năm 2013, bà Ba đã đến xã làm thủ tục nhận con nuôi và đến giờ chưa làm được, vì bà Ba là người khuyết tật. Theo quy định, người khuyết tật như bà Ba không đủ điều kiện về sức khỏe, chỗ ở, kinh tế để nuôi bé. Năm 2019, xã và gia đình đã liên hệ với mẹ ruột của bé, thì mẹ ruột bé đã mất, trong khi giấy khai sinh của bé để trống tên cha. Bé cũng không còn người giám hộ bởi ngoại đã mất, họ hàng không còn.
Xã có hỏi ý kiến của bé về việc có thể tìm gia đình khác nhận nuôi bé được không, nhưng bé không chịu, bé vẫn muốn ở với bà Ba.
“Trường hợp này vướng cả thủ tục cho, vướng cả thủ tục nhận. Xã rất mong được hướng dẫn giải quyết, để bé được đi học”, bà Huỳnh Thị Hồng Ngọc đề nghị.
Một vấn đề vô cùng phức tạp được bà Phạm Nguyễn Huy An, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Linh Tây, quận Thủ Đức nêu ra là đến nay phường vẫn chưa giải quyết được việc khai sinh cho trẻ em là con riêng sinh ra trong thời kỳ hôn nhân.
Cụ thể, bà N.T.A đang trong thời kỳ hôn nhân với ông L.V.B. nhưng bà A. lại có 2 con với ông T.T.C. Để làm được khai sinh cho 2 con, theo quy định, hồ sơ phải có văn bản giải quyết của tòa án và kết quả giám định DNA. Tuy nhiên, thực tế, bà A. không yêu cầu được ông B. đi giám định DNA để xác định quan hệ cha con; còn ông C. lại không nhận 2 trẻ là con ruột. Bà Phạm Nguyễn Huy An đề nghị được hướng dẫn giải quyết trường hợp này.
Cử tri Nguyễn Thị Lệ Hoa (ngụ phường 11, quận Bình Thạnh), phản ánh trở ngại trong việc đề nghị cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người lớn tuổi đã chung sống và có con trước ngày 3-1-1987 (thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực), nhưng không đăng ký kết hôn. Người này được xác lập hôn nhân thực tế; sau đó, chia tay và giờ đây muốn đăng ký kết hôn với người khác. Song, UBND phường yêu cầu họ phải gửi đơn để tòa án giải quyết việc không công nhận quan hệ vợ chồng với người cũ. Tòa án không giải quyết vì không có cơ sở xác định.
Khởi kiện ra tòa, làm cơ sở khai sinh cho con riêng sinh ra trong thời kỳ hôn nhân
Chia sẻ với cử tri Nguyễn Thị Lệ Hoa, bà Phạm Thị Thu Phương, Phó Chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên, TAND TPHCM cho hay, người đang có vợ có chồng trước năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn, đến nay chưa ly hôn, không có sự kiện vợ/chồng chết thì được xác định là người đang có vợ có chồng. Nếu hai người hiện tại không sống với nhau nữa thì cơ quan đăng ký hộ tịch xem xét quan hệ hôn nhân đó có phải hôn nhân thực tế hay không và trên cơ sở đó xác nhận tình trạng hôn nhân cho các bên. Nếu phường xác định người đó đang có vợ có chồng (dù không đăng ký kết hôn) và giờ muốn kết hôn với người khác thì phải làm thủ tục khởi kiện ra tòa án, để làm thủ tục ly hôn theo quy định, rồi mới đăng ký kết hôn với người khác được.
Về trường hợp khai sinh cho con riêng sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, bà Phạm Thị Thu Phương phân tích, cả bà A. và ông B. (chồng) không thừa nhận con chung, trong khi bà A. muốn đăng ký khai sinh con của mình (với ông C.). Đây là trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con và bổ sung hộ tịch trong trường hợp đặc biệt, được quy định tại Thông tư 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Vì ông C. không thừa nhận con chung, dù thực tế là con chung, nên trường hợp này, được xác định là có tranh chấp. Vì vậy, bà A. cần khởi kiện tại tòa án để được giải quyết tranh chấp về việc xác định cha, mẹ, con. Sau khi tòa án có giải quyết, thì sẽ làm thủ tục khai sinh cho trẻ.
Về việc khai tử cho người đã qua đời nhiều năm, ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch, Sở Tư pháp TPHCM cho hay, trường hợp chết đã lâu mà không có giấy báo tử, thì phải có giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền xác nhận có sự kiện chết, thì cơ quan đăng ký hộ tịch mới giải quyết đăng ký khai tử. Nếu không có, thì cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ từ chối. Vì thế, thân nhân cần phải đến tòa án nhân dân để xin tuyên bố một người đã chết.
“Tại sao không hỏi người thân, hàng xóm để xác nhận một người đã chết?”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM Phạm Đức Hải, người điều hành chương trình hỏi.
Ông Nguyễn Triều Lưu cho hay, trước đây, những trường hợp này được phép sử dụng lời làm chứng. Nhưng, theo Thông tư 04/2020/TT-BTP, từ tháng 7-2020, không được sử dụng lời làm chứng mà phải có tài liệu, chứng cứ của cơ quan chức năng xác định sự kiện chết. Thừa nhận đây là quy định khiến nhiều người dân thắc mắc, ông Nguyễn Triều Lưu cho hay, Thông tư 04/2020/TT-BTP mới thực hiện 2 tháng và có các vấn đề vướng mắc. Qua thực tế thực hiện, Sở sẽ tập hợp, báo cáo Bộ Tư pháp các vấn đề không hợp lý.
Giải quyết hồ sơ về hộ tịch, 9 tháng đầu năm 2020, TPHCM có gần 64.500 trường hợp đăng ký khai sinh; hơn 22.600 trường hợp kết hôn; gần 1.400 trường hợp đăng ký cha mẹ con và xác định tình trạng hôn nhân đối với 113.000 trường hợp... |
- Bà PHẠM QUỲNH ANH, Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND TPHCM: Bà Phạm Quỳnh Anh, Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND TPHCM Nhiều trẻ em, kể cả người lớn tuổi, chưa có giấy khai sinh Qua khảo sát công tác CCHC về hộ tịch tại TPHCM, Ban Pháp chế HĐND TPHCM ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em, kể cả người lớn tuổi, chưa được đăng ký khai sinh. Hiện nay, cũng chưa thống nhất cách giải quyết trường hợp trong thời kỳ hôn nhân nhưng người mẹ có con với người khác chứ không phải con chung với người chồng. Phần mềm đăng ký hộ tịch vẫn còn vấn đề kỹ thuật, ảnh hưởng đến nhập thông tin lưu trữ và xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch. Còn nhiều vụ việc khiến người dân phải đi lại nhiều lần. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa tuân thủ pháp luật về hộ tịch. Có việc chậm trễ, hoặc không đăng ký khai sinh cho trẻ, khiến trẻ đến tuổi đi học mà vẫn chưa có giấy khai sinh. Qua khảo sát ở các phường, xã, thị trấn cũng ghi nhận có trường hợp người dân sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ không đúng để đăng ký hộ tịch, gây khó khăn cho quản lý. - Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM: Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Rốt ráo giải quyết các trường hợp cử tri phản ánh Từ các ý kiến phản ánh của cử tri, Sở Tư pháp TPHCM sẽ chỉ đạo cho Phòng Tư pháp các quận, huyện và phường, xã, thị trấn tiếp nhận, xử lý các trường hợp đó; giao Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TPHCM phối hợp với địa phương theo dõi, rốt ráo giải quyết trường hợp nhận con nuôi của cử tri Lương Thị Ba ở huyện Nhà Bè. Với trách nhiệm của Sở, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, tăng cường kết nối thông tin, cơ sở giữ liệu hộ tịch, dân cư, bảo hiểm xã hội, để tạo sự thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục về hộ tịch. Các vấn đề cử tri phản ánh mà vượt quá thẩm quyền giải quyết của Sở, như thông tin trong Thông tư 04 không phù hợp với thực tế, Sở sẽ cập nhật, gửi tới Bộ Tư pháp xem xét giải quyết. - Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM TPHCM đang tạo lập cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn TP Giải pháp này mang tính sống còn trong việc cải cách, tạo thuận lợi cho người dân. Đến nay, TP đã số hóa được khoảng 30% số liệu hộ tịch và đã đưa vào Kho cơ sở dữ liệu dùng chung toàn TP. Dự kiến, đến giữa năm 2021, TPHCM hoàn tất số hóa số liệu hộ tịch. Đồng thời, TPHCM cần sự liên thông kết nối giữa hệ thống dữ liệu của TP với hệ thống dữ liệu quốc gia. Vì thế, sở đang tập trung giải pháp xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung của TPHCM. Nền tảng này đảm bảo liên thông, kết nối hệ thống của TPHCM chung lại với nhau và đảm bảo kết nối với hệ thống quốc gia. Khi có nền tảng này, việc liên thông dữ liệu giữa Bộ Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, dữ liệu của TPHCM sẽ được đồng bộ, tránh tình trạng cán bộ công chức hộ tịch phải nhập thông tin nhiều lần. TPHCM đã làm quyết liệt việc này từ cuối năm 2018 và hiện nay bắt đầu đưa vào vận hành, sử dụng. Cùng với đó, TPHCM đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Người dân có thể thực hiện các giấy tờ liên quan về hộ tịch một cách thuận lợi, dễ dàng hơn, tại mọi nơi, mọi lúc. - Ông PHẠM ĐỨC HẢI, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM Thủ tục hộ tịch phải đơn giản, dễ thực hiện Để đạt kết quả tốt hơn trong lĩnh vực hộ tịch, Thường trực HĐND TPHCM đề nghị các cấp chính quyền từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn cần tập trung rà soát, theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân thực hiện việc đăng ký các sự kiện hộ tịch của cá nhân được nhanh chóng, thuận lợi với các thủ tục phải đơn giản dễ thực hiện. Sở Tư pháp cần tăng cường chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hộ tịch, kịp thời giải quyết những vướng mắc về đăng ký và quản lý hộ tịch ở cơ sở; chủ động phối hợp với các ngành liên quan ở địa phương để thống nhất giải quyết các vướng mắc của các giấy tờ cá nhân. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm túc những trường hợp vi phạm pháp luật về hộ tịch. TPHCM cần nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. |