Theo Báo cáo, tại Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội giao Chính phủ trong trường hợp cần thiết, chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn NSTƯ năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn NSTƯ năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn, nhất là đối với các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả và báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh này tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Trên cơ sở đề nghị của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTƯ năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó, tổng số vốn NSTƯ trong nước đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 576,851 tỷ đồng.
Cụ thể, điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn NSTƯ năm 2020 với số vốn là 576,851 tỷ đồng của 5 bộ, cơ quan trung ương: Bộ Kế hoạch và Đầu tư 365,072 tỷ đồng, Văn phòng Trung ương Đảng 52 tỷ đồng, Ủy ban Dân tộc 50,257 tỷ đồng, Văn phòng Chính phủ 10 tỷ đồng và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 1,6 tỷ đồng.
Có 5 địa phương giảm vốn là TPHCM 35,983 tỷ đồng, Cần Thơ 27,828 tỷ đồng, Bình Dương 14,145 tỷ đồng, Nghệ An 10,552 tỷ đồng và Gia Lai 9,414 tỷ đồng.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nêu trên căn cứ vào tình hình thực tế giải ngân của dự án đã có văn bản đề xuất trả lại kế hoạch đầu tư vốn NSTƯ năm 2020 để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác.
Riêng tỉnh Nghệ An, đến ngày 30-9-2020 chưa phân bổ chi tiết 10,552 tỷ đồng vốn thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ nên theo quy định, số vốn này sẽ thu hồi về NSTƯ để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác.
Số vốn 576,851 tỷ đồng nói trên đã được điều chuyển cho cho 16 địa phương, gồm: Cao Bằng 20 tỷ đồng, Phú Thọ 30 tỷ đồng, Điện Biên 30 tỷ đồng, Nghệ An 115 tỷ đồng, Hà Tĩnh 46,6 tỷ đồng, Quảng Bình 30 tỷ đồng, Quảng Trị 29,994 tỷ đồng, Quảng Nam 25 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế 50 tỷ đồng, Phú Yên 30 tỷ đồng, Gia Lai 38,257 tỷ đồng, Bến Tre 30 tỷ đồng, An Giang 30 tỷ đồng, Bình Phước 40 tỷ đồng, Tiền Giang 12 tỷ đồng, Cà Mau 20 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư vốn NSTƯ năm 2020 cho các địa phương để thực hiện dự án đảm bảo nguyên tắc: dự án có thể giải ngân được ngay sau khi cấp có thẩm quyền giao kế hoạch; ưu tiên dự án có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTƯ giai đoạn 2016-2020, dự án chưa có trong trung hạn phải là những dự án khẩn cấp, gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai; ưu tiên các tỉnh bị ảnh hưởng bão, lũ trong thời gian vừa qua…
Đối với vốn nước ngoài nguồn NSTƯ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép điều chỉnh giảm 15.188,815 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn NSTW năm 2020 của 10 bộ, cơ quan trung ương và 45 địa phương. Tất cả các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nêu trên căn cứ vào tình hình thực tế giải ngân của dự án, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã chủ động có văn bản đề xuất trả lại kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn NSTƯ năm 2020 để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn.
Trong khi đó, có 589,924 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn NSTƯ năm 2020 được điều chỉnh tăng cho 6 địa phương gồm Hà Nam, Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Phước, Trà Vinh và Sóc Trăng.
Khoản chênh lệch điều chỉnh tăng/giảm là 14.598,891 tỷ đồng (=15.188,815 tỷ đồng - 589,924 tỷ đồng), Chính phủ trình Quốc hội cho phép giảm bội chi NSTƯ năm 2020.
Việc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị giảm kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn NSTƯ năm 2020 khá lớn do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các dự án trong nước do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án,...
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan chủ yếu do công tác lập kế hoạch vốn ODA chưa sát với nhu cầu thực tế, dự án có nhu cầu bổ sung vốn giải ngân không được bố trí vốn kịp thời hoặc bố trí thiếu, vốn đối ứng không được bố trí đủ. Bên cạnh đó, tính sẵn sàng trong chuẩn bị dự án chưa tốt; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án ODA còn gặp khó khăn, vướng mắc do phải thực hiện hài hòa giữa thủ tục trong nước và chính sách của nhà tài trợ; Công tác giải ngân, rút vốn cũng được đánh giá là còn chưa linh hoạt, một số chủ dự án, Ban Quản lý dự án còn tâm lý ngại làm thủ tục rút vốn giải ngân nhiều lần, mặc dù đã có khối lượng nghiệm thu hoàn thành…