Theo Vụ Thanh tra Kiểm tra (BHXH Việt Nam), đến cuối năm 2018 Vụ đã tiến hành gần 22.400 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, thanh tra chuyên ngành 8.000 cuộc, kiểm tra hơn 9.200 cuộc và thanh tra, kiểm tra liên ngành hơn 5.100 cuộc. Kết quả, có gần 44.500 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng khoảng 125 tỷ đồng; 47.400 lao động bị truy đóng với số tiền hơn 53 tỷ đồng. Tổng số tiền sau thanh tra phải thu là hơn 3.500 tỷ đồng nhưng các doanh nghiệp chỉ mới nộp hơn 1.900 tỷ đồng (chiếm hơn 50%).
Trong đó, kể từ khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực 1-1-2018 đến nay, ngành BHXH đã chuyển 43 hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý, tuy nhiên vẫn chưa xử lý được vụ nào. Nguyên nhân do thiếu hướng dẫn, cụ thể là vẫn chưa xác định rõ phạm vi BHXH bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện hay chỉ riêng BHXH bắt buộc; chưa giải thích thế nào là “chiếm đoạt” tiền bảo hiểm vì truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa xác định là 10 triệu đồng/lần hay cộng nhiều lần khác nhau.
Do vậy, các chuyên gia pháp lý cho rằng Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm liên quan đến bảo hiểm như dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, phải thống nhất khái niệm “trốn đóng”, hành vi “gian dối” và “thủ đoạn khác”; xác định rõ như thế nào là “chiếm đoạt” tiền bảo hiểm...