Trong đó, ngộ độc do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật là 33 vụ (chiếm 61%), do độc tố 14 vụ (chiếm 26%), do hóa chất 2 vụ (chiếm 4%), không xác định được nguyên nhân 2 vụ (4%)… Trong số những vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật thì ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng là 14 vụ (chiếm 42%).
Tụ cầu vàng tên khoa học Staphylococcus aureus, là vi khuẩn hình cầu, tụ thành từng cụm như chùm nho, không di động. Tụ cầu vàng phân bố rộng rãi trong tự nhiên, thường ký sinh trên da và niêm mạc. Ở thực phẩm giàu chất đạm, chất béo (thịt gia súc, gia cầm, cá) hoặc thực phẩm có hàm lượng nước cao, có nhiều tinh bột và nhiệt độ bảo quản thực phẩm không đảm bảo, dễ bị nhiễm tụ cầu vàng. Tụ cầu vàng khi nhiễm vào thực phẩm 4 - 5 giờ sẽ sản sinh ra ngoại độc tố, độc tố này không bị men tiêu hóa phá hủy. Khi người sử dụng thực phẩm nhiễm độc tố của tụ cầu vàng, độc tố này nhanh chóng thấm vào niêm mạc dạ dày, ruột, vào máu dẫn đến các triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và chóng mặt.
Để phòng ngừa tụ cầu vàng, Ban Quản lý an toàn thực phẩm khuyến cáo: Không để những người bị viêm xoang, viêm mũi họng, có mụn ở tay tiếp xúc với nguyên liệu thực phẩm; thực hiện 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn; thực hiện “ăn chín, uống sôi”, ngâm kỹ rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín; đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng; không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín; rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm, đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ ô nhiễm khác…