Năm nay, giải Nhất được trao cho công trình “Tượng thờ Hin đu giáo từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt” của chi hội Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế.
“Tượng thờ Hin đu giáo từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt” là một công trình nghiên cứu công phu và đặc sắc trong thời gian gần 10 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông (chủ biên) cùng nhóm cộng sự.
Công trình là một chuyên khảo, tư liệu quý nghiên cứu về văn hóa Chăm, tiếp cận hiện tượng tiếp biến văn hóa Việt - Chăm dựa vào góc nhìn về tín ngưỡng ở miền Trung Việt Nam. Tính đặc sắc trong chuyên khảo này đó là đi sâu vào tìm hiểu văn hóa Chăm tại các tỉnh miền Trung qua các giai đoạn lịch sử và sưu tầm được những hình ảnh, tư liệu, hiện vật.. của văn hóa Chăm trong lĩnh vực văn hóa, tôn giáo. Và cho đến hiện nay, những tư liệu, hiện vật... đó đã được văn hóa tín ngưỡng của người Việt tiếp nhận và hiện diện trong các chùa miếu Việt cũng như trong cuộc sống của một số người dân.
Tại lễ trao giải thưởng, bên cạnh việc vinh danh tác phẩm đoạt giải Nhất, Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân giamn Việt Nam cũng bày tỏ sự vui mừng vì có thêm nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.
Theo ông, dù năm nay số lượng dự thi chỉ vẻn vẹn 67 công trình nhưng phần lớn trong số đó có có đầu tư sâu về chuyên môn. Nổi bật trong số đó là các công trình như “Tạo hình và trang trí trên bàn thờ Phật bằng đá”- Chùa Việt Nam cuối thế kỷ XIV; “Tháp cổ Chăm Pa”; “Đặc điểm truyện thơ Mường”… Vì thế, sau khi xem xét các tác phẩm kỹ lưỡng, Hội đồng chuyên ngành của Hội đã xét và chấm giải cho 42 tác phẩm, công trình xuất sắc trong đó có 1 giải Nhất, 11 giải Nhì và nhiều giải thưởng khác.
Cũng tại buổi lễ, Hội cho biết năm 2018 đã trao 21 bằng chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho những người đang gìn giữ, phát huy tri thức văn hóa dân gian.