Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất chủ trương cho phép Hợp tác xã Nông nghiệp 1 xã Hành Thịnh sử dụng địa danh “Hành Thịnh” và xác nhận bản đồ khoanh vùng sản xuất để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm sen. Giao Sở KH-CN và các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các bước tiếp theo để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Sen Hành Thịnh”.
>>Clip: Sen chết hàng loạt, người trồng sen lo lắng (T/h Nguyễn Trang)
Vào thời điểm tháng 7, người trồng sen bắt đầu vụ chính thu hoạch, thế nhưng hơn 40ha diện tích trồng sen tại xã Hành Thịnh (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) chỉ là những hồ nước lèo tèo vài cây sen đang úa dần. Năm nay, lần đầu tiên, người trồng sen xã Hành Thịnh thất thu hoàn toàn.
Sen chết tại một vùng đầm lầy ở xã Hành Thịnh. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Ông Phan Diễn (xã Hành Thịnh) có 7 sào đầm trũng để trồng sen, thế nhưng năm nay ông Diễn xuống giống được 1 tháng thì sen chết rũ. Ông nói: “Hơn 10 năm trồng sen chưa bao giờ gặp tình trạng sen chết như năm nay. Tôi đầu tư gần 3 triệu đồng tiền giống, trồng được 1 tháng, khi cây lên lá rồi thì bắt đầu có hiện tượng rũ cây, lá úa, bát sen đen và chết dần toàn bộ”.
Bát sen đen dần, hư hại, người trồng sen phải nhổ bỏ hoàn toàn. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Kinh tế gia đình ông Diễn đều trông chờ vụ sen mỗi năm nhưng năm nay sen chết hàng loạt khiến ông Diễn rất lo lắng. Ông chia sẻ, cả cánh đồng La Băng trước kia là ruộng lúa trũng nước, từ năm 2000, những hộ đầu tiên mở ra hướng mới là trồng sen trên đầm, tận dụng nguồn nước kênh thạch nham, người dân thu hoạch sen có thể thu 6-7 triệu đồng/sào, cải thiện đời sống. “Năm nay chúng tôi không biết vì sao sen lại chết, cả cánh đồng La Băng đều mênh mông nước không một ruộng sen nào sống”, ông Diễn cho biết.
Ông Phan Diễn lo lắng trước tình trạng sen chết không rõ nguyên nhân. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Thịnh cho biết: “Hơn 40ha diện tích trồng sen chết hoàn toàn, sen cho lên búp non là rũ chết. Mỗi sào, người dân đầu tư từ 2-5 triệu đồng tiền giống, công sức bỏ ra chăm sóc nhưng thất thu. Sen chết có dấu hiệu bủn gốc, úa dần, bát sen đen, sen vừa lên khỏi mặt nước thì chết. Địa phương đã có tờ trình và cơ quan chức năng xuống lấy mẫu nước, mẫu bùn… nhưng vẫn chưa có kết quả”.
Lần đầu tiên, người trồng sen xã Hành Thịnh gặp tình trạng sen chết hàng loạt. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Theo ông Long, chuyển vùng trũng trồng lúa sang đầm sen thì nghề trồng sen đã trở thành thu nhập chính. Bình quân hằng năm, mỗi sào có thể thu 1,5 tạ hạt sen, giá bán 35.000-40.000 đồng/kg có năm đến 60.000 đồng/kg, nếu chế biến hạt sen nhân thì giá 120.000-130.000 đồng/kg, thu nhập gần 100 triệu/ha sau khi trừ các chi phí. Hiệu quả từ trồng sen cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, nâng cao đời sống người dân. Năm nay, người trồng sen đã thất thu cả tỷ đồng vì sen chết hàng loạt.
Thu hoạch sen tại xã Hành Thịnh hồi tháng 6-2021