Dự án cộng đồng “Tử tế với Sa Cần” do nhóm bạn trẻ tình nguyện Quảng Ngãi thực hiện. Dự án được phát động trên mạng xã hội đã thu hút rất đông mọi người hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa. Dự án có sự phối hợp tổ chức của UBND xã Bình Thạnh.
Chương trình “Tử tế với Sa Cần” đã huy động 400 thùng rác gia đình, 400 vỏ thùng sơn tái sử dụng, 400 bộ tài liệu hướng dẫn phân loại rác, 400 cây xanh cho người dân trong vùng dự án để hưởng ứng tham gia phong trào chống rác thải nhựa... Đặc biệt là 400 giờ làm sạch bãi biển Sa Cần, từ ngày 4-8 đến ngày 31-8.
Ngay từ khi mới khởi động, dự án đã thu hút hàng ngàn người dân và các tình nguyện viên tham gia. Trong buổi ra quân sáng 4-8, rất đông lực lượng quân dân, bộ đội, đoàn xã, các bạn trẻ tình nguyện viên và hàng ngàn người dân địa phương tham gia dọn sạch bãi biển.
Trong chương trình “Tử tế với Sa Cần”, ban điều hành dự án đã cấp phát găng tay, bao lưới, nước uống, khuyến khích không sử dụng đồ dùng nhựa trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Chị Trần Thị Chung (thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh) chia sẻ: “Bãi biển Sa Cần trước kia rác chồng chất từng lớp, mỗi năm một nhiều, bây giờ các bạn trẻ ra quân cùng đồng hành người dân để dọn sạch bãi biển nên người dân xóm làng rất mừng. Người người, nhà nhà trong thôn đều tham gia”.
Chị Đỗ Thị Tình (thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh) vui mừng khi thấy bãi biển đang trở lại như xưa. Chị nói: “Phải rất lâu rồi, cư dân nơi đây mới thấy lại bãi biển phủ cát mịn, chiều chiều có thể ra dạo biển, trẻ con làm sân đá bóng trên bãi, người lớn uống trà nói chuyện”.
Ông Nguyễn Duy Khắc, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thạnh, cho biết: “Bãi biển Sa Cần vốn rất đẹp, từ năm 1990 trở về sau này thì bắt đầu rác đổ về bãi biển, những năm gần đây thì ô nhiễm nặng nề từ chất thải sinh hoạt, công nghiệp, rác thải nhựa từ trên sông Trà Bồng theo dòng nước tấp về biển Sa Cần. Xã đã cố gắng tuyên truyền, ra quân dọn dẹp bãi biển nhưng không thể giải quyết triệt để rác thải”.
Ông Khắc cho rằng, quá trình dọn rác bãi biển Sa Cần ngoài nổ lực và ý thức của người dân xã Bình Thạnh thì các xã dọc sông Trà Bồng ở phía thượng nguồn cần hạn chế rác thải nhựa vứt xuống sông.
"Sông Trà Bồng này đổ ra cửa biển Sa Cần, khi rác thải không đổ ra biển được thì lại tấp vào bờ biển Sa Cần, năm này qua năm khác, gây ô nhiễm nghiêm trọng”- ông Khắc nói.
Trong suốt quá trình thực hiện “Tử tế với Sa Cần”, người dân xã Bình Thạnh rất quan tâm và có những hành động thu gom, xử lý rác bãi biển.