Các nguyên nhân chính được xác định là: lạm dụng mạng xã hội, mê chơi game, áp lực học tập… Ngoài ra, những hóc môn tăng trưởng gây xáo trộn cơ thể và tâm lý cũng là nguyên nhân làm rối loạn giấc ngủ và dẫn đến mất ngủ ở trẻ em.
Theo Thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh, Trưởng Đơn vị Rối loạn giấc ngủ (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), việc mất ngủ ở trẻ em ngày càng một gia tăng do các áp lực về xã hội, gia đình, học tập; tùy theo độ tuổi mà có những nguyên nhân và đặc thù riêng về vấn đề giấc ngủ. Với các em nhỏ ở mẫu giáo, nhà trẻ, do bé hiếu động không ngồi im một chỗ nên tối thường khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu và hay la hét. Với những em ở cấp 1 (dưới 10 tuổi), việc có nhiều bài tập về nhà hoặc thức để xem những chương trình truyền hình quá khuya sẽ làm ảnh hưởng và xáo trộn đến nhịp sinh học, gây nên chuyện khó ngủ.
Với học sinh cấp 2 và cấp 3, đây là độ tuổi phức tạp do đang trong quá trình dậy thì và trưởng thành. Việc ngủ không đủ giấc có thể làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, gây tính tình cáu gắt, khó gần gũi. Điều này làm cho sự trao đổi giữa phụ huynh và các em không được tốt, các em dễ phản ứng lại những ý kiến của cha mẹ. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, các em có thể bị mất ngủ mãn và rối loạn giấc ngủ ở tuổi trưởng thành.
Nhằm hạn chế tình trạng này, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần theo sát, sắp xếp giờ giấc ngủ của con em một cách khoa học. Nguyên tắc chung để có được một giấc ngủ tốt là ngủ trước 22 giờ; nếu các em có những áp lực về công việc hoặc học tập thì nên ngủ sớm và dậy sớm (như ngủ lúc 22 giờ, dậy lúc 5 giờ sáng, do sau 22 giờ thì hiệu quả làm việc xuống thấp nhất và hiệu quả làm việc tốt trở lại là từ 4 giờ sáng trở đi). Thức ăn cũng giúp cho việc ngủ dễ dàng hơn như ăn nhẹ vào buổi tối, không ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đạm.
Theo bác sĩ nhi khoa Johnathan Halevy, Phòng khám Family Medical Practice, có đến một nửa trẻ mầm non và 40% trẻ vị thành niên ngủ ít hơn thời lượng cần thiết. Nguyên nhân chủ yếu do thời gian biểu sinh hoạt hàng ngày với khối lượng bài vở, các hoạt động xã hội... dày đặc của các em. Cùng với đó là sự can thiệp của công nghệ hiện đại khiến trẻ ngày càng đi ngủ trễ hơn.