1. Để thiết kế nên những bộ trang phục có chất liệu, họa tiết, hoa văn phù hợp với mỗi nhân vật, giai đoạn lịch sử, ngoài kinh nghiệm được trao truyền từ thế hệ trước, vợ chồng nghệ sĩ Phương Hùng và Bảo Ly không ngừng nghiên cứu, tích góp thêm kiến thức từ các trang sách lịch sử có nhiều hình ảnh minh họa. Sau gần 40 năm gắn bó với nghề thiết kế phục trang, anh chị được nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, nhà sản xuất hay đài truyền hình mời hợp tác để giúp các nhân vật trong các tác phẩm nghệ thuật ăn mặc chỉn chu nhất.
Nghệ sĩ Bảo Ly tên thật là Nguyễn Thị Tuyết, cha của chị là soạn giả - nghệ sĩ thiết kế phục trang Nam Sơn, chủ gánh hát Trúc Giang trước năm 1975. Năm 17 tuổi, Bảo Ly là cô đào của đoàn hát gia đình. Đây cũng là nơi bắt nguồn tình yêu của chị với anh kép hát, nghệ sĩ Phương Hùng (tên thật là Hoàng Đăng Hùng). Trong khi cải lương đang thịnh hành mà nghề thiết kế phục trang có rất ít người thực hiện nên năm 1983, chị cùng chồng rẽ hướng sang làm công việc này. “Khi chia tay nghề hát để gắn bó với nghề thiết kế phục trang, tôi xác định mình sẽ không còn được hát, được xướng tên hàng đêm mà chỉ là người âm thầm đứng sau cánh màn nhung. Buồn, nhưng đó là lựa chọn của mình…”, nghệ sĩ Bảo Ly chia sẻ.
Khi đến với nghề thiết kế phục trang, vợ chồng chị có điều thuận lợi là từ nhỏ chị đã được phụ giúp cha mẹ may từng chiếc áo của vua, hoàng hậu. Những hạt kim sa lấp lánh qua đôi tay tài hoa của cha mẹ kết thành con rồng, con phượng uốn lượn đã khơi lên niềm yêu thích công việc này trong chị. Bảo Ly còn nhớ vở diễn đầu tiên mà vợ chồng chị thiết kế trang phục là Hai phương trời thương nhớ (tác giả Trung Đông - Phi Hùng) do NSND Huỳnh Nga làm đạo diễn. Để thực hiện trang phục cho các nhân vật, vợ chồng chị phải lặn lội sang Campuchia xem trang phục của người bản xứ rồi thiết kế giống như vậy.
2. Có dịp nhìn bàn tay tài hoa của vợ chồng nghệ sĩ Phương Hùng và Bảo Ly khâu từng đường kim, mũi chỉ, nhất là khi đính đá, kết cườm, mới cảm nhận được niềm đam mê nghề thiết kế phục trang lớn thế nào trong họ.
Một bộ trang phục hoàn chỉnh phải trải qua 6-7 khâu, từ vẽ mẫu, chọn chất liệu, cắt, may, vẽ họa tiết, hoa văn đến đính phụ kiện... Trong đó, vẽ mẫu là công đoạn cần nhiều thời gian nhất, có khi chiếm đến nửa thời gian hoàn thành một bộ trang phục. Không chỉ phù hợp với từng nhân vật, vở diễn mà trang phục của vợ chồng nghệ sĩ Bảo Ly thiết kế còn giúp tôn dáng của người mặc. Ví dụ như nghệ sĩ nào ốm, thấp sẽ được vợ chồng chị tư vấn may thêm áo lót, đóng giày đế cao.
Mỗi khi nhận lời thiết kế phục trang, nghệ sĩ Bảo Ly đều nghiên cứu cặn kẽ bối cảnh lịch sử của vở diễn, tiểu sử của nhân vật… rồi mới bắt tay thực hiện. Điển hình như khi may áo của quan văn ở nước ta thì ống tay nhỏ, có bâu cổ đứng đặc trưng. “Nếu mình may không đúng thì khán giả phát hiện được ngay”, nghệ sĩ Bảo Ly lý giải.
Để bắt kịp thị hiếu hiện nay, anh chị còn cho các diễn viên, ca sĩ thuê y phục đóng kịch, phim truyền hình hay quay MV ca nhạc. Nghệ sĩ Phương Hùng cho biết, khi nhận một dự án phim hay chương trình nghệ thuật lớn, mặc dù đã có 9-10 học trò nhưng anh chị vẫn thuê thêm cả chục người phụ may vá, thêu thùa. Thợ chỉ đảm nhận các khâu cơ bản, còn vẽ mẫu, họa tiết, thêu, đính cườm… đều do anh chị tự làm mới ưng ý. Có những bộ quần áo cầu kỳ, anh chị mất cả tháng mới may xong. Khi khán giả yêu thích diễn viên với trang phục đó, họ cảm thấy công sức của mình bỏ ra không phí chút nào.
“Sau gần 40 năm thiết kế phục trang, với mong muốn tôn vinh văn hóa phục trang Việt Nam, có lẽ tài sản quý giá nhất của vợ chồng tôi là những bộ quần áo treo đầy tủ. Mỗi khi chạm vào từng thớ vải, hạt cườm, tôi như chạm vào ký ức. Những tháng năm cùng cha mẹ đính kết từng hạt kim sa lên váy áo để kịp ngày ra mắt vở tuồng mới hay những đêm vợ chồng tôi thức trắng để may gấp phục trang cho các đồng nghiệp bất chợt ùa về. Thời gian dẫu có làm cho những hạt kim sa trên quần áo bớt lấp lánh nhưng những kỷ niệm đẹp với nghề chăm lo váy áo cho nghệ sĩ sẽ in mãi trong trái tim tôi”, nghệ sĩ Bảo Ly tâm sự.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của anh chị là có con trai nối nghiệp. Trong những chuyến du lịch, anh Hoàng Trúc Giang đều dành thời gian cùng ba mẹ đi đến các bảo tàng để tham quan, chụp ảnh họa tiết, hoa văn của các trang phục cổ. Anh còn háo hức tìm mua các loại vải lụa, thổ cẩm mang về nghiền ngẫm, thiết kế nên những bộ phục trang để tiếp nối ba mẹ, gìn giữ nghề truyền thống của gia đình đam mê nghệ thuật này. |