40 năm, một bài thơ hay

Nhà thơ Việt Phương sinh năm 1928 tại Hà Nội. Tác phẩm “Cửa mở” (1970). Bài thơ “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương” được bạn đọc yêu thích và được nhiều tuyển tập thơ tuyển chọn.

Một trong những sáng tác văn học tạo ấn tượng mạnh, lay động lòng người nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài thơ “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương” của nhà thơ Việt Phương. Càng đọc, nghe càng thấy hay, càng xúc động, thấm thía và gợi mở.

Bài thơ “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương” của Việt Phương được viết từ ngày 4 đến 10-9-1969. Tính đến nay vừa tròn 40 năm. Hồi ấy, ở những năm cuối của Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi được đọc bài thơ. Chúng tôi thích và thuộc bài thơ mà chưa lý giải được: “Nắng vẫn chuyền như sóc giữa lùm cây” hay “Đến bên Người ta thở dễ dàng hơn”… Xúc động, mới lạ, tự do, hiện đại… thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông; thơ Minh Huệ, Hải Như, Viễn Phương… viết về Bác Hồ… đều rất hay, nhưng sao bài thơ của Việt Phương cứ xoáy sâu mãi trong tim óc chúng tôi.

Sau 30-4-1975, tập thơ “Cửa mở” của Việt Phương do NXB Trẻ xuất bản. Bài thơ “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương” càng có sức sống mới trong thời hòa bình dựng xây, phát triển khiến chúng tôi càng nhiều suy nghĩ. Tiếng hát ngợi ca; nỗi đau xé tim gan… Bài thơ tự sự không dấu lòng!

… “Trời đổ mưa, đi viếng Bác, đồng bào bị ướt

Bác thương đồng bào con hiểu Bác không vui”…

 “Chúng con đi cho cả người vắng mặt

Người chưa sinh và người khuất cũng về đây”…

“Ôi lòng Bác bao la trong Di chúc

Vẫn hạt lúa củ khoai chân chất bình thường

Cả dân tộc khóc Người thương mình nhất”…

“Sau bao năm đồng chí với Người con gọi Người đồng chí

Là khi con vĩnh biệt Người, Đồng chí, Bác Hồ ơi”…

Chúng tôi yêu bài thơ vì đằng sau câu chữ là đầy ắp tâm tư, tự vấn lương tâm có trách nhiệm và thẳng thắn. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn trong các mối quan hệ của những hình tượng thơ, chủ đề thơ. Ấy là mối tương quan giữa lãnh tụ và công dân, dân tộc và quốc tế, niềm tự hào và nỗi đau thương, tiếng khóc lớn và lời ước nguyện, giữa cha và con… Nói cách khác là mối gắn kết, tương hỗ giữa con người và con người, cao cả và bình dị, khái quát và chi tiết… Xa hơn cao hơn là khẳng định trách nhiệm bản thân và đất nước, văn thơ và chính trị, truyền thống và hiện đại… Bài thơ hay vì nghĩ ai cũng có thể viết, nhưng không phải ai cũng viết được như nhà thơ Việt Phương.

… “Bác thường để lại dĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ

Tránh nói chữ to và đi rất nhẹ cả trong vườn”…

“Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là đánh đẹp

Con xóa chữ đẹp đi như xóa đi sự hạn hẹp của lòng con

Thêm hiểu lòng Người đối với quân thù như sắt thép

Mà tình thương mênh mông ôm hết mọi linh hồn”.

Nhớ lại câu cuối trong Di chúc, Bác Hồ viết “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”… “Tôi không có điều gì phải hối hận chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

***

…Có một phương pháp luận nghiên cứu về Việt Nam nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, nhiều học giả tập trung nghiên cứu về một con người. Hồ Chí Minh là trường hợp đặc biệt đó!

Vũ Ân Thy

Tin cùng chuyên mục