Ngày 11-5, hội nghị chuyên đề IPU (Liên minh Nghị viện Thế giới) khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” đã diễn ra tại TPHCM thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu thuộc 24 quốc gia trên thế giới.
Tại hội nghị, đại diện nước chủ nhà Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã đề nghị nội dung nghị sự tập trung vào 4 vấn đề.
Cụ thể, một là thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào mục tiêu về bình đẳng giới và sức khỏe trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu; hai là thảo luận về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; ba là cam kết quốc tế và vai trò của các cơ quan lập pháp; cuối cùng là việc huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và ứng phó biến đổi khí hậu nói riêng.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng IPU 132 vào tháng 3-2015, với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Các vấn đề then chốt của “Tuyên bố Hà Nội” đã được phản ánh trong các văn kiện quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ 4 vào tháng 9-2015.
Trong năm 2016, IPU đã phối hợp với các Nghị viện thành viên tổ chức một số hội thảo chuyên đề triển khai việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), gồm: Hội thảo khu vực về Nghị viện và việc thực hiện các SDGs tại Bucharest, Romania (4-2016); Hội thảo liên khu vực về tăng cường năng lực nghị viện và thúc đẩy thực hiện các SDGs tại Bắc Kinh, Trung Quốc (9-2016)...
Thời gian qua, IPU phối hợp với Liên Hợp quốc tổ chức Hội nghị Nghị viện hàng năm trong khuôn khổ Hội nghị Biến đổi khí hậu. Giới chuyên gia và các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhận định, môi trường Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương do nước biển dâng.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Trước tình hình đó, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn coi biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn đối với quốc gia và chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tích cực, chủ động ứng phó đối với vấn đề này, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, ký Thỏa thuận Paris tại New York (Mỹ) và phê chuẩn cam kết quan trọng này vào cuối tháng 10-2016...
Với tinh thần đó, Hội nghị chuyên đề về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” do IPU và Quốc hội Việt Nam phối hợp tổ chức là diễn đàn để các nghị viện, nghị sĩ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác trong quá trình thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.