* PHÓNG VIÊN: Thưa Bộ trưởng, ông có thể nói gì về việc có tới gần 100 “nhân tài” ở TP Đà Nẵng xin rút khỏi khu vực Nhà nước với những lý do như muốn tìm công việc khác hoặc sức khỏe không bảo đảm? Trong đó 40 người xin nghỉ việc, bao gồm 32 người bị khởi kiện đòi chi phí đào tạo “nhân tài” với chi phí có trường hợp lên đến hàng tỷ đồng?
* Bộ trưởng LÊ VĨNH TÂN: Hiện nay, một số địa phương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù riêng (tùy theo điều kiện, hoàn cảnh) trong việc tuyển dụng công chức. Nhưng vì cái chung, các địa phương nên làm theo quy định của Chính phủ, bởi tuyển dụng công chức phải thực hiện theo quy định chung. Chứ không nên từng địa phương ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, chế độ chính sách riêng. Thời gian qua, những trường hợp được tuyển dụng mà áp dụng chính sách không đúng, thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết xem xét xử lý và thu hồi.
* Để được trở thành công chức thì chỉ có 2 phương thức, đó là tuyển dụng không qua thi tuyển và thi tuyển. Việc tuyển dụng không qua thi tuyển là những trường hợp hết sức đặc biệt, chỉ chiếm từ 10-15%. Tuyển dụng thông qua thi là hình thức phổ biến để chúng ta tuyển dụng nhân tài.
Trong thời gian qua, hầu hết các công chức vào làm việc ở cơ quan nào đó, chọn đúng thời điểm (5 năm) để đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để xét tuyển là chủ yếu, mà không qua thi tuyển.
Sắp tới Bộ Nội vụ có chủ trương khuyến khích vấn đề thi tuyển vào công chức, để chọn đúng nhân tài và tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Những người thực sự có tài năng, thậm chí những sinh viên vừa mói ra trường, cứ tự tin đăng ký thi tuyển vào công chức.
Nhưng đối với trí thức hiện nay không chỉ có con đường đi theo chức vụ, mà còn con đường chức nghiệp. Tức là cơ quan Nhà nước tạo mọi điều kiện để công chức có thể đi lên bằng khả năng, sở trường và chuyên môn của mình.
Vì vậy, trong cải cách tiền lương lần này, chúng ta có đặt vấn đề trả lương theo vị trí việc làm, tức là đã nhấn mạnh đến vấn đề chức nghiệp của công chức. Anh có thể là chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, chuyên gia thì chế độ chính sách cũng không thua kém so với những người có chức vụ lãnh đạo.
Mỗi công chức đi theo con đường chức nghiệp theo trình độ chuyên môn của mình thì vẫn có thể thăng tiến. Theo tôi, cánh cửa này rộng mở hơn với công chức, bởi chúng ta thấy công chức thì nhiều, chức vụ lãnh đạo thì ít. Như vậy, chúng ta có thể đi theo con đường chức nghiệp để phát triển sự nghiệp của mình.
* Nhiều “nhân tài” muốn vào cống hiến cho cơ quan Nhà nước nhưng họ ngại vì có quá nhiều vấn đề khiến họ không phát huy được năng lực. Vậy làm cách nào để các cơ quan Nhà nước “giữ chân” và thu hút được những nhân tài?
* Chính sách trọng dụng nhân tài của Đảng và Nhà nước ta rất rõ ràng, dựa trên 4 trụ cột. Chúng ta luôn trọng dụng những người học tập đạt thành tích tốt, đã chứng minh được trong thực tiễn về khả năng, năng lực làm việc. Yếu tố rất quan trọng trong vấn đề này là phải bố trí đúng người, đúng việc, chứ không phải cứ những người học giỏi, có trình độ, có bằng cấp mà đặt vào bất cứ vị trí nào. Chúng ta cũng phải tạo môi trường cho họ phát huy năng lực, sở trường của mình.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải không ngừng theo dõi, tạo điều kiện, hỗ trợ giúp đỡ công chức, viên chức trẻ phát triển. Vấn đề cuối cùng là phải có chính sách đề bạt, bổ nhiệm, lương bổng, thu nhập… phù hợp cho họ.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!