Ngày 2-7, UBND TPHCM tổ chức hội nghị Triển khai kế hoạch thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM và công tác chuẩn bị dự án Vành đai 4 TPHCM.
Hội nghị do đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì. Đến tham dự hội nghị có lãnh đạo các tỉnh, bộ, ngành liên quan.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết Quy chế phối hợp xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM giữa TPHCM với các tỉnh Long An, Đồng Nai và Bình Dương.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An cam kết tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần được giao theo thẩm quyền, các cơ chế đặc thù được phép áp dụng cho dự án và các quy định của pháp luật liên quan.
Đồng thời, các địa phương sẽ thành lập Hội đồng cố vấn dự án bao gồm các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực: kỹ thuật, vật liệu xây dựng, công nghệ, đấu thầu, tổ chức điều hành dự án… tư vấn cho Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy dự án các nội dung liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Thống nhất với quan điểm của TPHCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ lưu ý, trước khi triển khai dự án, các dự thảo cần phải làm rõ, giao trách nhiệm và quyền hạn cụ thể cho từng địa phương, từng đơn vị. Chẳng hạn giao cho Sở GTVT cơ quan thường trực hỗ trợ, tham mưu giúp UBND các địa phương, tránh trường hợp đổ lỗi cho đơn vị thi công, ban, ngành và có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, củng cố tổ chức và triển khai; Sở Tài nguyên- Môi trường chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng… Công tác giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn, cần làm nhanh nhưng phải chắc, đảm bảo thời điểm khởi công phải có 70% mặt bằng bàn giao cho ban quản lý dự án.
Đại diện các bộ, ngành tham gia hội nghị cho biết sẽ sát cánh cùng các địa phương để triển khai dự án theo đúng tiến độ đề ra; cần cân nhắc không thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn để đảm bảo tính pháp lý…
Sớm triển khai đường Vành đai 4 TPHCM Thông báo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị các địa phương cần triển khai sớm đường Vành đai 4 TPHCM để trình Quốc hội, trong đó có thời gian, tiến độ triển khai. Hồ sơ cần rà soát lại quy mô, phân kỳ và gắn liền với tiến độ để thực hiện. Dự án thực hiện theo hình thức PPP, vốn nhà nước không vượt quá 50%, các địa phương phải bàn bạc ngay từ thời điểm này. Nếu dự án dưới 10.000 tỷ đồng, các địa phương tự triển khai mà không cần trình lên Quốc hội. Dự án đường Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài theo quy hoạch 199km, với 8 làn xe cao tốc và tuyến song hành 2-3 làn xe ô tô, vỉa hè mỗi bên; bề rộng nền đường 74,5m. Dự án đi qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TPHCM. |