Sáng 7-1, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM... tham dự hội nghị.
Tăng cường dự báo, xử lý kịp thời các tình huống
Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cả nước và TPHCM, như năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên TPHCM thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.
Đặc biệt, năm 2021, TPHCM chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cùng các ngành, các cấp đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, nhạy bén, sáng tạo, tích cực đổi mới phương thức điều hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để hoàn thành các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch và đạt một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM chủ động bám sát thực tiễn, kịp thời thông tin, tuyên truyền toàn diện các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, tập trung tuyên truyền phòng chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo các cấp tiếp tục được quan tâm; tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Đồng thời, kịp thời động viên, chăm lo cho cán bộ tuyên giáo cơ sở không may bị mắc Covid-19 và có người thân bị mắc hoặc tử vong vì Covid-19.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê, bên cạnh những kết quả thể hiện sự kiên trì, nỗ lực, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ ngành tuyên giáo, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đặc biệt, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, công tác phối hợp, cập nhật thông tin, điều chỉnh các chính sách và chủ trương trong công tác phòng chống dịch có lúc còn lúng túng, chưa kịp thời.
Ngoài ra, việc xác minh, kiểm chứng từng trường hợp cụ thể để làm chất liệu tuyên truyền và minh chứng đấu tranh, phản bác gặp nhiều khó khăn. Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái đôi lúc còn bị động, có việc vẫn chưa thể “đi trước” và “làm chủ” không gian tuyên truyền.
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ, năm 2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM xác định những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm của ngành tuyên giáo.
Đó là việc tham mưu tổ chức triển khai các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ TPHCM trong phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Cùng với đó là kiên trì thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII gắn với việc triển khai Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, tập trung hoàn thiện chương trình và triển khai Đề án “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân TP, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người TP mang tên Bác”.
Song song với tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường năng lực dự báo, nắm bắt và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trên không gian mạng, không để bị động, bất ngờ.
Linh hoạt trong tuyên truyền
Tại hội nghị, nhiều địa phương, đơn vị đã chia sẻ các cách làm hay, sáng tạo, ứng phó kịp thời, linh hoạt với dịch Covid-19 để thực hiện tốt công tác tuyên giáo tại cơ sơ.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 6 Nguyễn Minh Cao trong bối cảnh chịu tác động lớn của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư phải thực hiện giãn cách xã hội, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của công tác tuyên giáo là một trong các giải pháp tối ưu.
Cụ thể, quận 6 sử dụng “Ứng dụng Sổ tay điện tử nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng”. Ứng dụng, giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nòng cốt sử dụng để nghiên cứu, học tập những nội dung cơ bản, cốt lõi, những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; đồng thời có thể tham gia góp ý, hiến kế các giải pháp đối với Đảng bộ quận để đưa Nghị quyết đi vào đời sống.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là yêu cầu thường xuyên, liên tục, là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan truyền thông.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong nhấn mạnh, thời gian qua, Báo SGGP đã tập trung triển khai có hiệu quả nội dung trên. Cụ thể, từ đầu năm 2021, Báo SGGP xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội theo Đề án 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Trong đó tập trung đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội, phản động, nhất là liên quan đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và tiếp theo là trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Báo SGGP đã có nhiều tin, bài, vệt bài, loạt bài đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc, không đúng sự thật. Như loạt bài 4 kỳ “Chẩn trị rác văn hóa”; loạt bài 4 kỳ “Nhận diện, đấu tranh với thông tin xấu, độc trên không gian mạng”.
Cùng với đó, chú trọng tuyên truyền các thông điệp hay, cách làm sáng tạo trong đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc trong và ngoài nước; các bài viết giúp người trẻ nhận diện các thông tin xấu, độc. Như loạt bài 3 kỳ “Khi người trẻ “đề kháng” trước thông tin độc, hại”.
Báo SGGP cũng mở chuyên mục Phản bác tin giả trên Báo Điện tử SGGP, chú trọng đến các thông tin trên mạng xã hội, các group Viber, Zalo... gây hoang mang dư luận, rối loạn thị trường (như về việc thu gom lương thực, thực phẩm, thuốc men) để kịp thời phản ánh, minh định thông tin, góp phần ổn định tình hình.
Bên cạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Báo SGGP còn chủ động tổ chức triển khai các đề tài về người tốt, việc tốt, những gương điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí: Người tốt - Việc tốt - lan tỏa những giá trị tích cực. Đây cũng là cách thực hiện tốt phương châm “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy xây để chống”, qua đó góp phần đẩy lùi những thông tin xấu độc hoặc những thông tin vu khống, bịa đặt vô căn cứ.
Theo đồng chí Tăng Hữu Phong, Báo SGGP nhận thức rằng, nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức thông tin tuyên truyền, song song với việc truyền tải thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, những mô hình hay, cách làm sáng tạo đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
“Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh phức tạp, kéo dài, đội ngũ làm Báo SGGP đã hết sức nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền”, Tổng Biên tập Báo SGGP chia sẻ.
Đồng chí cũng khẳng định, thời gian tới, Báo SGGP sẽ tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm những mô hình, cách làm mới để tuyên truyền ngày một hiệu quả hơn, xứng đáng là cơ quan của Đảng, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM.