Theo Bộ GTVT, việc triển khai áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí đường bộ là chủ trương phải thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, tạo sự minh bạch trong thu phí.
Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất tại các dự án và minh bạch trong việc tính chi phí quản lý thu phí tại các dự án BOT, Bộ GTVT đã đề nghị các nhà đầu tư dự án ký kết phụ lục hợp đồng về triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Đến ngày 5-7, đã có các nhà đầu tư BOT quản lý 40 trạm thu phí cơ bản thống nhất ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT. Tuy nhiên, còn 4 nhà đầu tư chưa đàm phán ký kết phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT là Công ty Cổ phần Phước Tượng – Phú Gia BOT; Công ty TNHH đầu tư 194 BOT QL1 – Cam Ranh; Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai; Công ty TNHH BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp.
Hiện Bộ GTVT đang tiếp tục đàm phán với 4 nhà đầu tư chưa ký phụ lục đồng, đảm bảo tiến độ ký phụ lục hợp đồng trước ngày 10-7 nhằm hoàn thành lắp đặt 44 trạm thu phí trong năm 2019 theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Dự kiến, trong ngày 8-7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có cuộc họp với 4 nhà đầu tư này.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam dọa dừng thu phí các trạm BOT từ 10-7 do không ký phụ lục hợp đồng BOT triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Các trạm thu phí có nguy cơ bị tạm dừng gồm: trạm thu phí Km2079 + 535 QL1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp); Bắc Hải Vân thuộc Dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng (Công ty Cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT); Cam Thịnh – Km1517+ 647, Quốc lộ 1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1488 - Km1525 qua tỉnh Khánh Hòa (Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh); 2 trạm thu phí tại Km1610+800 và Km1667+470 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 14 đoạn TP. Pleiku đến Cầu 110 (Công ty Cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai).