4 bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, đại dịch Covid-19 để lại cho TPHCM nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Sáng 29-10, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Cùng dự có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, các thành viên ban chỉ đạo, đại diện một số tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành.

Tham dự tại điểm cầu TPHCM có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.

Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, hội nghị hôm nay mang lại nhiều cảm xúc, đặc biệt là tình cảm biết ơn. "Thay mặt lãnh đạo, nhân dân TPHCM, xin trân trọng cảm ơn Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, Ban Chỉ đạo quốc gia và các bộ, ban, ngành, địa phương bạn, đồng bào cả nước, bà con ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế đã chia sẻ, đồng hành, giúp đỡ TPHCM vượt qua đại dịch Covid-19", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu.

Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, đại dịch Covid-19 để lại cho TPHCM nhiều bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất là sớm thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 phù hợp.

TPHCM xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên ngày 23-1-2020. Nhờ có ban chỉ đạo và các biện pháp kịp thời, trong 3 đợt dịch đầu đã kiểm soát ổn định tình hình dịch bệnh. Đợt dịch lần thứ 4, thành phố thường xuyên củng cố ban chỉ đạo, đồng bộ nhiều biện pháp từ giãn cách xã hội, y tế, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh cho đến củng cố, động viên, phối hợp các lực lượng phòng chống dịch.

Bài học thứ 2 là vai trò của hội đồng chuyên môn y tế.

Thành phố kịp thời huy động các chuyên gia y tế, nhà quản lý nhằm lắng nghe những đề xuất, kiến nghị biện pháp, như: Lập các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, trung tâm hồi sức, trạm y tế lưu động, các tổ phản ứng nhanh, phân tầng trong điều trị, quản lý và chăm sóc F0 tại nhà... Chính những biện pháp này giúp thành phố đạt những kết quả nhất định trong phòng chống dịch, dù tình hình phức tạp.

Bài học thứ 3 là chính sách, phối hợp điều hành của các ngành, cấp.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, điều này ảnh hưởng lớn, thậm chí quyết định kết quả phòng chống dịch, như bố trí nguồn lực, chiến lược vaccine và các vấn đề liên quan sản xuất, lưu thông, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.

Cuối cùng là bài học về mở cửa và tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay, các quyết định về phòng chống dịch đã khó, quyết định mở cửa càng khó hơn. TPHCM mở cửa từ 1-10-2021, thời điểm này, nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí phản đối nhưng trên cơ sở đánh giá tình hình, thành phố mạnh dạn mở cửa song song các biện pháp tiếp tục kiểm soát dịch bệnh.

TPHCM đã triển khai 12 chiến lược, thành phần và ngay từ cuối 2021, Thành ủy ban hành Nghị quyết số 05 và duy trì lãnh đạo, triển khai mục tiêu, giải pháp này. "Tại Hội nghị Thành ủy vừa qua, TPHCM đã sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 05, khẳng định vẫn tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, cũng có 2 vấn đề cần rút kinh nghiệm. Đó là sự điều hành của Thường trực Chính phủ trong quyết định mở cửa. Nếu điều hành tốt thì công tác phối hợp, sự đồng tình của các bộ, ngành, địa phương với TPHCM không đến nỗi gay gắt như thực tế vừa qua.

Cạnh đó, sau dịch, cần tiếp tục các biện pháp chăm sóc sức khỏe người dân, doanh nghiệp để củng cố các động lực phát triển. "Các chính sách vừa qua cũng nhằm mục tiêu này nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TPHCM đồng thời kiến nghị, cần trả lại sự trong sáng, kính trọng đối với ngành y tế và lực lượng tham gia phòng chống dịch. Không vì sai phạm 1 cá nhân mà có cái nhìn khác, thậm chí sai lệch những cống hiến của lực lượng quân y và ngành y tế.

Tin cùng chuyên mục