Ngày 12-10, tại TPHCM, 600 CEO, giám đốc nhân sự ở các doanh nghiệp trong cả nước tham dự hội thảo Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp bền vững nhờ nguồn nhân lực hạnh phúc, do Anphabe tổ chức.
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe chia sẻ, qua khảo sát cho thấy, 39% người lao động ở các doanh nghiệp Việt Nam đang không thật sự gắn kết với nơi làm việc. Điều đó có nghĩa là một lượng lớn nhân viên, người lao động đang chán nản, làm việc thờ ơ, làm việc dưới khả năng thực sự của mình. Trong đó, có tới 67% những lao động này đi làm nhưng không nỗ lực làm việc. Điều đặc biệt đáng lo ngại là họ không gắn kết với nơi làm việc, không làm việc hết mình song cũng… không nghỉ việc, mà vẫn làm việc cầm chừng.
Trong bản thân mỗi người, trung bình một năm, mỗi người lao động nghỉ bệnh khoảng 4 ngày/năm nhưng số ngày làm việc không hiệu quả lên đến 57,5 ngày (gần 3 tháng). Nghĩa là, khoảng 25% thời gian đi làm, tất cả người lao động có biểu hiện không khác gì một Zombie tạm thời. Trong khi đó, với doanh nghiệp, chỉ cần 25% nhân viên có hội chứng Zombie sẽ khiến doanh nghiệp thất thoát gần 12% hiệu suất.
Nguyên nhân của tình trạng người lao động chán nản, thờ ơ, không gắn kết là do bản thân người lao động không đủ sức khỏe thể chất hoặc tinh thần và do môi trường làm việc khiến người lao động cảm thấy không hài lòng, không được hỗ trợ đầy đủ.
Để tái gắn kết, tối đa khả năng thực sự của người lao động, theo bà Đoàn Lê Minh Hà, Giám đốc nhân sự Kuehne + Nagel Việt Nam, nếu nguyên nhân là doanh nghiệp chưa tạo đủ điều kiện cho nhân viên, thì cần tìm hiểu sâu hơn nhu cầu của họ, từ đó có giải pháp nhanh chóng, hiệu quả. Trường hợp doanh nghiệp đã hỗ trợ tốt mà người lao động vẫn không hài lòng thì cần nhìn nhận lại cách truyền thông, giao tiếp trong doanh nghiệp, giúp người lao động hiểu đúng, đủ.
Với các nguyên nhân từ cá nhân người lao động, theo bà Đặng Lê Trâm, Giám đốc nhân sự Vinataba – Philip Morris Việt Nam chi nhánh TPHCM, lúc này cần có sự thân thiết nhất định giữa lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên, người lao động để hiểu, hỗ trợ tốt nhất. Trong đó, người lao động nào cũng có những giai đoạn cần ưu tiên việc riêng (như tang gia, sinh con, bệnh tật…) và doanh nghiệp cần có chương trình linh hoạt, có sự hỗ trợ rõ ràng nhằm có sự gắn kết tình cảm bền vững.
Bà Phan Nguyên Nhật Thảo, Giám đốc nhân sự Amway Việt Nam, lại cho rằng, bài toán Zombie cần được giải quyết bằng chính Zombie: nhân viên, người lao động là người tự đưa ra cam kết cụ thể, sau đó thống nhất với quản lý để thực hiện. Đồng thời, doanh nghiệp cần “tạo sức ép”, xác định các chỉ tiêu cụ thể, rõ ràng trong cách thực hiện và thời gian hoàn thành công việc với người lao động. Bằng cách này, doanh nghiệp hiểu người lao động hơn và người lao động cũng sẽ cố gắng hơn. “Doanh nghiệp cần hỗ trợ người lao động có động lực để đẩy họ tự nỗ lực hơn. Động lực của người lao động tuy rất đa dạng nhưng có thể quy chung lại: nhân viên trẻ cần thử thách và được ghi nhận; người lao động lớn tuổi cần sự ổn định trong công việc; người lập gia đình trong vòng 5 năm đầu sẽ có nhu cầu tiền lương cao hơn…” – bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc nhân sự Daikin Việt Nam chia sẻ.
Riêng với cấp quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo sự gắn kết cho nhân viên. Ngoài kỹ năng chuyên môn, lãnh đạo cần bổ sung kỹ năng quản lý lấy con người làm trọng tâm, trân trọng, quan tâm nhân viên đúng và đủ, từ đó có sự tin tưởng, gắn kết cả lý trí và tình cảm của người lao động.