UBND TPHCM vừa có Tờ trình đề xuất HĐND TPHCM chấp nhận chế độ hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định 108/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
UBND TP đề xuất chính sách trợ cấp thêm cho 2 nhóm đối tượng. Đó là những cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội TP và quận, huyện thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014 đã được UBND TPHCM, Bộ Nội vụ phê duyệt, thẩm tra thực hiện tinh giản biên chế (cả người ngoài độ tuổi quy định để được hưởng trợ cấp theo Nghị định số 108/2014).
Một nhóm nữa là những cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý tự nguyện xin nghỉ công tác trước tuổi (nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc không thuộc diện tinh giản biên chế).
Đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý tự nguyện xin nghỉ công tác trước tuổi thì UBND TP đề xuất căn cứ vào độ tuổi và thời gian tham gia công tác tại cơ quan Nhà nước có đóng BHXH để ngân sách TP trợ cấp thêm.
Theo tính toán của UBND TP, tổng kinh phí hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc đối với 1.062 người từ nay đến năm 2021 là hơn 380 tỷ đồng.
Theo UBND TP, việc đề xuất chính sách trợ cấp thêm này để động viên cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc trong quá trình TP thực hiện tinh giản biên chế. Chính sách trợ cấp thêm còn nhằm ghi nhận sự cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của TPHCM đối với những người tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc.
UBND TP đánh giá, với chính sách khuyến khích về vật chất thông qua việc trợ cấp thêm từ nguồn ngân sách TP này sẽ góp phần đẩy mạnh tiến độ tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức, bộ máy và biên chế của TP, thực hiện thắng lợi lộ trình giảm 10% biên chế từ năm 2015 đến năm 2021 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Trường hợp nào thuộc diện tinh giản biên chế?
Nghị định 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế được áp dụng cho các đối tượng sau:
- Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã;
- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập;
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không thời hạn trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp;
- Chủ tịch công ty, thành viên HĐTV, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên trong các công ty TNHH MTV do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu (không bao gồm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động);
- Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước;
- Người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội.