Theo đó, chi phí này đền bù hỗ trợ thu hồi đất của 100 hộ dân và 25 tổ chức. Diện tích đất cần thu hồi trong năm nay là khoảng 1,7ha thuộc quận 4 - một phần trong gần 11,3ha tổng quy mô thực hiện dự án. Phần diện tích còn lại ở quận 1 và quận 7 không phải giải phóng mặt bằng. Theo Sở Giao thông Vận tải, sau khi kế hoạch sử dụng đất của dự án được thông qua, địa phương sẽ thực hiện thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật...
Dự kiến, quý 4 năm nay, thành phố khởi công trước một số hạng mục cầu và đường dẫn ở phía quận 1. Đến năm 2025, công tác bồi thường sẽ hoàn tất, giao toàn bộ mặt bằng cho dự án để thi công. Công trình dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Dự án cầu - đường Nguyễn Khoái vượt kênh Tẻ, rạch Bến Nghé, nối khu vực Nam Sài Gòn với khu trung tâm, tổng mức đầu tư 3.725 tỷ đồng. Công trình được HĐND TPHCM thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 12-2023, do có thay đổi về quy mô thực hiện. Dự án có tổng chiều dài gần 5km, trong đó phần cầu khoảng 2,5km, rộng 6,5-25,5m; phần đường dài hơn 2,3km, rộng 26,5-61,5m.
Công trình bắt đầu từ đường D1 (kết nối Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và khu dân cư Him Lam, quận 7), phần cầu chính vượt kênh Tẻ bằng cầu cạn theo đường Nguyễn Khoái. Cầu tiếp tục vượt rạch Bến Nghé nối vào đường Võ Văn Kiệt, quận 1. Ngoài tuyến chính, dự án bao gồm các nhánh rẽ nối với các đường phía dưới là Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Thuyết, Võ Văn Kiệt. Vị trí cầu - đường Nguyễn Khoái nối quận 7, 4 và 1.
Cầu - đường Nguyễn Khoái khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc cho các tuyến nội bộ quận 4, chia sẻ áp lực giao thông với các trục đường từ quận 7, 8, huyện Nhà Bè về trung tâm thành phố như Khánh Hội - cầu Kênh Tẻ - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ - Dương Bá Trạc. Hiện, kết nối giao thông giữa khu Nam Sài Gòn với trung tâm TPHCM chủ yếu qua các tuyến Nguyễn Hữu Thọ - cầu Kênh Tẻ và cầu Tân Thuận - Nguyễn Tất Thành.