Ngày 4-5 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Chương trình Phát triển của Liên Hiệp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo dự án “Tăng cường khả năng chống chịu tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển ở Việt Nam”.
Theo đó, Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển ở Việt Nam” được Quỹ Khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên Hiệp quốc, bắt đầu triển khai từ năm 2017 và sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Đến tháng 4-2021, dự án đã hỗ trợ xây dựng được khoảng 3.700 ngôi nhà an toàn cho người nghèo dễ bị tổn thương ở 5 tỉnh, thành phố ven biển, đạt 93% kế hoạch đề ra. Đồng thời, đã phục hồi hơn 3.300ha rừng ngập mặn tại các tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau.
Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” đặt mục tiêu xây mới 4.000 ngôi nhà tại các điểm an toàn cho khoảng 20.000 người nghèo và dễ tổn thương; trồng và phục hồi 4.000ha rừng ngập mặn ven biển; tăng cường khả năng tiếp cận các dữ liệu về tổn thất và thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu để sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội ở 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam.
Tại cuộc họp, các đại biểu tham gia đề nghị nên kéo dài dự án này đến cuối năm 2022. Song theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, việc kéo dài dự án đến hết năm 2022 còn chờ sự chấp thuận từ Chính phủ Việt Nam và phía các đối tác quốc tế tài trợ cho dự án, nhưng việc thực hiện phải đảm bảo đầy đủ các cam kết mà dự án đề ra.