Sáng ngày 23-11, tại hội trường UBND xã Bình Thuận, UBND huyện Bình Sơn đã tổ chức họp dân nằm trong vùng mở rộng khu Liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất với sự tham gia của đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất, UBND xã Bình Thuận, đại diện Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất cùng với hơn 300 hộ dân để tìm hiểu nguyện vọng của người dân và thảo luận về việc lựa chọn khu tái định cư.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khu 115ha thuộc xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) phục vụ dự án mở rộng khu Liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và các dự án vệ tinh đang được triển khai. Hiện xã đã xác lập 926 hồ sơ hộ có đất đai, tài sản nằm trong khu vực di dời, với tổng kinh phí khoảng 374 tỷ đồng; 600 mộ phải di dời.
Trong đó, ngoài phần diện tích đất nông nghiệp, đất được nhà nước thu hồi bồi thường vào năm 2005, còn lại 42,5ha vẫn chưa thu hồi đất, chưa phê duyệt phương án bồi thường, trong đó có khoảng 17,8ha đất có nhà ở của dân với 352 hộ phải bố trí tái định cư với khoảng 409 lô và khoảng 24,7ha đất có công trình hạ tầng do UBND xã Bình Thuận quản lý. Lý do là do chưa có đất để bố trí tái định cư cho dân.
Ông Lý Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết: “Khi có dự án mở rộng, giải phóng mặt bằng, thì thường khâu tái định cư phải chủ động đi trước một bước. Chúng tôi đã làm việc với công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất nhiều lần về vấn đề này. Do đó, khi nào xác lập được nơi tái định cư cho người dân, có phương án chỗ ở theo đúng quy định Nhà nước thì lúc đó tôi mới phê duyệt giải phóng mặt bằng”.
Cũng theo ông Lý Thọ, hiện nay huyện Bình Sơn có nhiều khu tái định cư, tuy nhiên cuộc họp dân lần này là để lắng nghe nguyện vọng người dân.
Theo người dân, việc yêu cầu tái định cư ở Bình Hải không phải mới, cách đây khoảng 1 năm Công ty Hòa Phát Dung Quất đã đưa người dân đi xem khu tái định cư tại đây, nhưng đến nay vẫn họp, vẫn ý kiến và vẫn chưa có sự thống nhất.
Nhiều người dân kiến nghị được tái định cư nhanh vì sự việc này đã kéo dài và người dân phải chịu ảnh hưởng ô nhiễm trong thời gian dài.
Bà Ngô Thị Chừng (xã Bình Thuận) ý kiến: “Đến nay đã nói đi nói lại trong 3, 4 cuộc họp rồi mà vẫn chưa xong. Trong khi đó, nhà cửa của chúng tôi ảnh hưởng bụi bặm”.
Sau cuộc họp, khu tái định cư được người dân yêu cầu nhiều nhất là khu Bình Hải, ngoài ra có khu Tây Bắc Vạn Tường.
Phía đại diện Hòa Phát Dung Quất, ông Đinh Văn Chung - Phó Giám đốc Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất, cho biết: Hòa Phát sẽ ứng trước nguồn kinh phí để cùng với tỉnh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và sẽ luôn song hành với tỉnh, huyện để hỗ trợ cho địa phương và người dân.
Theo ông Chung thì hiện nay có hơn 10 khu vực có thể tái định cư, tuy nhiên thì phía Hòa Phát không có quyền quyết định khu tái định cư ở đâu, về luật thì tái định cư do Nhà nước thực hiện quy hoạch.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, ông Lý Thọ cho rằng, việc tái định cư là do nhà đầu tư chủ động phối hợp với tỉnh. Chủ đầu tư muốn lấy đất thực hiện dự án thì phải đề xuất vị trí tái định cư, từ đó tỉnh mới quyết định.
“Cách đây hơn 1 năm, chính quyền huyện và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã yêu cầu chủ đầu tư tập trung lo việc tái định cư trước khi thực hiện dự án chứ không phải bây giờ mới nói”, ông Thọ chia sẻ.
Ông Lý Thọ cho biết thêm: “Qua xem xét đề xuất của người dân thì có 14 ý kiến tập trung vào 2 khu tái định cư là Bình Hải và Tây Bắc Vạn Tường. Huyện sẽ có ý kiến báo cáo lên tỉnh để xem xét, giải quyết”.
Về việc 68 hộ dân nằm sát bên Nhà máy, UBND huyện Bình Sơn đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương nâng mức hỗ trợ tiền thuê nhà cho dân vì mức 1,5 triệu đồng/hộ/tháng như cơ chế hiện nay là quá thấp, đồng thời đề xuất UBND tỉnh chủ trương hỗ trợ tiền thuê nhà ngoài 6 tháng theo quy định chính sách hiện hành để hộ dân thuê nhà ra ngoài khu vực 115ha để ở tạm, kinh phí này do Hòa Phát chi trả và không được khấu trừ vào tiền thuê đất (nếu có).