
Từ sau đại thắng mùa Xuân 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước tựu về trong một thiết chế thống nhất của đất nước vẹn toàn, đã không ngừng phát triển về mọi mặt, tạo dựng nên một đô thị lớn nhất nước, theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại và đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới, hội nhập. 35 năm trải qua những bước thăng trầm với bao khó khăn thử thách, song thành tựu đạt được là to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975
1/ Ổn định chính trị, xã hội; vượt qua trở lực; tìm tòi hướng phát triển phù hợp, góp phần tạo tiền đề đổi mới.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng ngày 30/4/1975, Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định được giải phóng khỏi ách thống trị từ hơn 1 thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Thể theo nguyện vọng của nhân dân thành phố vốn đã có từ cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ 30 năm về trước, ngày 2/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã chính thức dành cho Sài Gòn – Gia Định được vinh dự mang huân danh “Thành phố Hồ Chí Minh”.
Thành phố được giải phóng nhanh chóng và hầu như nguyên vẹn đã đem lại những thuận lợi to lớn, song khó khăn và tiềm ẩn sự bất ổn cũng không nhỏ. Những luồng tư tưởng và tâm lý được nhồi nhét dưới chế độ thực dân chưa thể mờ phai trong không khí của những ngày vui đại thắng. Khoảng 40 vạn binh lính, hơn 3 vạn sĩ quan chế độ cũ rã ngũ tại chỗ. Các thế lực thù địch, các phe phái phản động trong và ngoài nước không ngồi yên, đặc biệt là lúc thành phố cũng như cả nước lâm vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội. Do vậy, ổn định tình hình chính trị, xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của thành phố để cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ chiến lược mới – xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hoạt động của Ủy ban Quân quản trong 8 tháng bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy đã tập trung giải quyết có hiệu quả một khối lượng công việc bộn bề, đưa lại sự ổn định tình hình chính trị xã hội; tạo điều kiện để thành phố tập trung sức giải quyết những khó khăn thử thách hiểm nghèo, có lúc tưởng chừng như không vượt qua được.
Như chúng ta đã biết, sau ngày giải phóng đến 1978, do dự trữ, tiềm lực thành phố còn khá, không có thiên tai, địch họa nên khó khăn chưa bộc lộ, thành phố vẫn còn nhộn nhịp. Các ngành sản xuất nhờ có nguyên liệu cũ dự trữ nên tiếp tục tăng, số người thất nghiệp giảm rõ rệt so với trước giải phóng, các yếu tố văn hóa mới được đón nhận với mong muốn có thêm nhiều điều mới lạ vốn phù hợp với tâm lý, tính cách người dân nơi đây - luôn ham tìm cái mới.
Song sang năm 1979 – 1980, tình hình kinh tế sa sút nghiêm trọng, sản xuất, dịch vụ đều giảm; giá cả thị trường tăng liên tục (1978 tăng 15,3%; 1979 – 30,9%; 1981 – 42% …). Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Sài Gòn ăn độn, ăn bo bo, sắn, có khi độn lên tới 90%. Tiền lương thực tế giảm sút, không một người lao động nào có thể sống được bằng tiền lương, giỏi lắm duy trì được 2 tuần trong tháng. Với phương châm “hãy tự cứu mình”, biết bao “sáng kiến” cục bộ, bất đắc dĩ ra đời đã làm cho thành phố thêm phức tạp. Nuôi heo cải thiện trở thành phổ biến trong “đô thị phồn hoa”, gây biết bao tai họa về môi trường. Tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong” tuy bị phê phán song chẳng ai chịu làm thiệt tình trong giờ làm việc chính thức tại công sở, doanh nghiệp …
Nhìn chung, tình trạng “làm không ra làm, ăn không ra ăn, ở không ra ở” đã trở thành phổ biến. Thêm vào đó lại có sự thách thức thật hiểm nghèo – 1978 – 1979 chiến tranh biên giới Tây Nam rồi biên giới phía Bắc xảy ra. Thiên tai diễn ra 3 năm liền ở Nam bộ, ảnh hưởng đến vựa lúa đồng bằng sông Cưu Long. Chiến tranh, đói kém, tệ nạn xã hội, phá hoại của các thế lực phản động, bất mãn … cùng với những sai lầm, những giải pháp không phù hợp trong cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế, tình trạng ngăn sông cấm chợ, gây nên tâm lý bất an cho mọi tầng lớp xã hội.
Trước những khó khăn chồng chất như vậy, thành phố đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ. Bài học kinh nghiệm trong thời chiến tranh cách mạng – tin tưởng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào sức mạnh trí tuệ và sức lực của quần chúng, vì lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm… được vận dụng để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thử thách, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm an dân. Dựa vào dân, tiến hành khám phá, đập tan các phe nhóm phản động ngóc đầu dậy, trừng trị tội phạm, giữ vững trật tự trị an. Giữ vững lời thề độc lập, vẹn toàn lãnh thổ, phát huy tinh thần yêu nước, động viên con em ra “tuyến đầu Tổ quốc” bảo vệ biên giới và giữ vững tuyến phòng thủ thành phố. Đồng thời tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, dịch vụ, chăm lo cải thiện đời sống của nhân dân.
Hướng tháo gỡ trước hết là thoát ra khỏi cơ chế cũ, thoát khỏi sự trói buộc của chế độ cấp phát – giao nộp, thiết lập quan hệ kinh tế bình thường theo quy luật của sản xuất hàng hóa, mở rộng quan hệ thị trường, trước hết là thị trường Nam bộ và thị trường quốc tế, giao quyền chủ động cho cơ sở bung ra vì mục đích tăng hiệu quả sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người lao động. Tháng 8/1979 Thành ủy ra Nghị quyết 9 về những vấn đề đó. Thật hạnh phúc, tháng 9/1979 Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV) ra đời đã chỉ ra tác hại của cơ chế cũ, những chính sách lỗi thời và đề ra hướng tháo gỡ, sau này thường gọi là “Nghị quyết bung ra”, được Đại hội 10 tổng kết là “bước đột phá đầu tiên” của quá trình đổi mới.
Hướng tháo gỡ khác là vay ngoại tệ để nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu để tự cân đối và tích lãi, tái đầu tư.
Với hướng chỉ đạo đó, hàng loạt xí nghiệp đã tích cực tìm tòi cách tháo gỡ khó khăn, đã đạt kết quả bất ngờ. Phong trào học tập điển hình tiên tiến do Thành ủy phát động cùng với một đợt khui kho vật tư tồn đọng vô lý do cơ chế cũ ràng buộc đã tiếp sức, tăng lực cho sản xuất, kinh doanh, nhiều yếu tố và mô hình “đổi mới” đã xuất hiện. Song, cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ để thay đổi cơ chế quản lý kinh tế trong thực tế đã không đơn giản, không diễn ra một cách thuận buồm xuôi gió. Cuối năm 1982, trong vòng 1 tháng có 6 đoàn kiểm tra đến thành phố đã đặt ra nhiều vấn đề, phê phán, lo ngại sự phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Từ đó, một số quy định mới về xuất nhập khẩu, về kiều hối, điều chỉnh giá bán buôn xí nghiệp, v.v… lại trói tay các đơn vị sản xuất kinh doanh một lần nữa …
Nhưng với bản lĩnh được trui rèn qua khó khăn thử thách, với trách nhiệm trước Trung ương, trước nhân dân, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tìm cách tháo gỡ để cho các nhân tố mới tiếp tục hình thành và phát triển.
Tháng 7/1983, nhân dịp các đồng chí trong Bộ Chính trị và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng vào Đà Lạt, Thành ủy đã bố trí để một số giám đốc xí nghiệp Trung ương và Thành phố báo cáo tình hình thực tiễn và những kết quả tháo gỡ khó khăn ở cơ sở với đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đang ở Đà Lạt. Tiếp đó, từ 13/7 đến 16/7/1983 tại Đà Lạt đã diễn ra Hội nghị giữa các đồng chí Bộ Chính trị và lãnh đạo thành phố cùng một số ban ngành liên quan. Sau Hội nghị các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã về thành phố khảo sát thực tiễn. Kết quả của đợt tiếp cận, trao đổi trên đây đã có tác động đến Hội nghị Trung ương lần thứ 6, 7 (khóa V), mở ra một giai đoạn tiếp tục đấu tranh về quan điểm đổi mới từ Trung ương đến địa phương.
Nhờ kiên trì bám sát thực tiễn, năng động, dám làm dám chịu trách nhiệm và được Trung ương hỗ trợ, sự kiên quyết tháo gỡ khó khăn đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố đạt được kết quả khá rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm thời kỳ 1980 – 1985 đạt 8,17% so với 2,18% thời kỳ 1976 – 1980. Thu ngân sách địa phương 1985 gấp 43 lần năm 1980, v.v…
Tháo gỡ cơ chế quản lý kinh tế để khắc phục, phát triển sản xuất kinh doanh đồng thời với việc giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân được Thành ủy thường xuyên quan tâm. Học tập kinh nghiệm của một số địa phương, thành phố quan tâm tháo gỡ khó khăn trong lưu thông phân phối, giải quyết tiền lương, tiền thưởng, giải quyết bữa ăn trưa, ăn giữa ca, đồng thời cho vay vốn làm kinh tế phụ gia đình; quan tâm hỗ trợ các gia đình chính sách, khu vực hành chính sự nghiệp, bộ đội, giáo dục, y tế, hoạt động văn hóa, khoa học …, góp phần an dân để bảo đảm sự ổn định xã hội.

Cầu dây văng Phú Mỹ, cây cầu đẹp và lớn nhất tại TPHCM.
Thành phố và nhiều địa phương khác đang phấn khởi để tiếp tục phát triển thì một sự cố gây chấn động nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh với qui mô vốn có đã chịu tác hại khá nặng nề - đó là đợt điều chỉnh giá – lương – tiền vào tháng 9/1985. Phạm sai lầm lớn ở tầm vĩ mô (chỉ đạo triển khai Nghị quyết), dùng tính toán chủ quan điều chỉnh giá, lương không phù hợp với tình hình thực tế, không theo quy luật, bất chấp thị trường, rồi đổi tiền trong lúc chưa có khả năng ổn định giá cả đồng tiền v.v… đã đưa đất nước vào vòng xoáy nguy hiểm “tăng giá – nâng lương – lạm phát – tiền mất giá – giá tăng thêm”, đưa cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đến cao điểm.
Thực tế cay đắng đó có lẽ mới là liều thuốc đủ “đô”, có tác dụng dứt khoát về sự cáo chung của cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, để cả nước bước vào thời kỳ đổi mới.
Giải phóng được tư duy là thắng lợi lớn, song bước vào thực tiễn tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đại hội VI khởi xướng đã gặp không ít khó khăn, nhất là giai đoạn đầu (1986 – 1990) khi tiến hành chuyển đổi mọi lĩnh vực, lại còn trong thời kỳ bị cấm vận, bao vây kinh tế và phá hoại của các thế lực thù địch, sự suy thoái của hệ thống xã hội chủ nghĩa, thiên tai triền miên…
Thành phố đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, bám sát thực tiễn, dựa vào dân, tìm những giải pháp phù hợp, từ đó có những bước đột phá, tháo gỡ những vướng mắc, kiên trì đấu tranh và từng bước chiến thắng những trở lực của cơ chế cũ, làm sáng tỏ dần con đường đi và cách làm mới, tư duy mới, góp phần tích cực vào việc xác định và hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, giành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước, cùng Thủ đô Hà Nội anh hùng, cùng Thành phố Huế văn hiến, “cùng cả nước, vì cả nước” xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, ngày càng văn minh, phồn vinh, hiện đại.
2/ Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước đổi mới, hội nhập
Cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới đất nước dù bước đầu gặp không ít khó khăn như trên đã nói, song thành phố cũng đã có ít nhiều “vốn quý” với những thành công và kinh nghiệm vượt qua cản trở của cơ chế cũ, tiến hành điều hành kinh tế theo cơ chế thị trường, sản xuất hàng hóa, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế. Với tinh thần cách mạng không mệt mỏi, không khoan nhượng trước những gì trì trệ, với truyền thống luôn luôn chọn cái mới, luôn đổi mới, được đường lối đổi mới của Đảng soi đường, Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng vượt qua cơn khủng hoảng kéo dài từ giai đoạn trước, tiến bước vững chắc vào sự nghiệp đổi mới toàn diện, mạnh mẽ trong bối cảnh mới của đất nước và quan hệ quốc tế.
Vị trí, vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của khu vực và cả nước ngày càng được nâng cao. Nghị quyết 01 – NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 14/9/1982 khẳng định “Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta. Thành phố Hổ Chí Minh có vị trí chính trị quan trọng sau Hà Nội …”. 20 năm sau, tức 16 năm thực hiện đường lối đổi mới, Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 18/11/2002 nhấn mạnh : “Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước … Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đạt những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng. Thành phố đã phát huy vai trò trung tâm của mình trên nhiều mặt với khu vực và cả nước, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đó là kết quả của sự phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ và nhân dân Thành phố trong hơn 3 thập kỷ qua với trách nhiệm “vì cả nước, cùng cả nước”, đồng tâm hiệp lực, năng động, sáng tạo tìm hướng đi thích hợp. Trong chặng đường cam go ấy, thành phố luôn giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nguồn ngân sách và giải quyết các vấn đề xã hội.

Đưa vào sử dụng đại lộ Đông Tây, cầu Nguyễn Văn Cừ..., góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thành phố trên diện rộng.
Thời kỳ 1996 – 2000, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ, tốc độ tăng trưởng GDP có giảm sút, nhưng vẫn là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cả nước (9,0%). Và bước vào thế kỷ mới, tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố liên tục tăng trưởng trong 6 năm, năm sau cao hơn năm trước, từ 9,5% năm 2001 lên 11,6% năm 2004, 12,2% năm 2006, 12,6% năm 2007.
Năm 2008 bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu. Thành phố Hồ Chí Minh – đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, nơi xuất khẩu nhiều nhất, thu hút vốn đầu tư, thu nhập từ du lịch và kiều hối cao nhất, đương nhiên trở thành “nơi đầu sóng ngọn gió” của cơn bão khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế của thế giới thâm nhập vào Việt Nam. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nửa đầu năm 2009 xuống thấp trầm trọng. Lại một lần nữa, bản lĩnh của thành phố đầy tiềm năng, luôn năng động, sáng tạo lại được thể hiện.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện rốt ráo các quyết sách của Trung ương, các nhóm giải pháp của Chính phủ, huy động mọi nguồn lực, động viên mọi nỗ lực của các cấp, các ngành phấn đấu vượt qua cơn khủng hoảng, đạt tăng trưởng bình quân trong năm 8%, đóng góp cho cả nước hơn 1,6% trong tổng số 5,32% mà cả nước đạt được trong năm 2009. Thành phố giữ được vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế, thường có mức tăng trưởng gấp 1,5 lần mức bình quân cả nước, nên sự đóng góp cho cả nước ngày càng cao, từ chiếm 13% GDP cả nước trong những năm đầu bước vào đổi mới trong thế kỷ trước, đến nay đã nâng lên trên 20%.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp của khu vực phía Nam và của cả nước. Đây là nơi có nhiều cơ sở công nghiệp khá hiện đại và đa dạng ngành nghề, là nơi xây dựng khu chế xuất đầu tiên của nước ta, nơi đang đi đầu trong công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt trong những năm gần đây, thành phố đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển các ngành sản xuất có hàm lượng khoa học cao với 4 nhóm ngành chủ yếu (cơ khí chế tạo; điện tử - viễn thông – tin học; công nghiệp hóa chất và dược phẩm; chế biến lương thực thực phẩm có giá trị tăng cao). Cho đến nay, giá trị tổng sản lượng công nghiệp trên địa bàn thành phố chiếm gần 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp của cả nước.
Với nhiều ưu thế đặc biệt, từ sân bay, bến cảng đến hệ thống tài chính, ngân hàng, nhà hàng, khách sạn …, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại – dịch vụ lớn, là nơi xuất nhập khẩu chiếm tỷ lệ khá lớn của cả nước. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm 25,1% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, 36,7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đặc biệt trong những năm gần đây, thành phố tập trung phát triển, có tính đột phá 9 nhóm ngành dịch vụ : tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; thương mại (tập trung các loại dịch vụ phục vụ xuất khẩu); vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng (chú ý các dịch vụ hàng hải quốc tế); bưu chính – viễn thông và công nghệ thông tin – truyền thông; kinh doanh tài sản – bất động sản (phát triển đô thị mới; nhà ở; văn phòng cho thuê …); dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ (thị trường công nghệ); du lịch (tập trung du lịch quốc tế); y tế và giáo dục – đào tạo chất lượng cao nhằm tạo điều kiện cho khu vực dịch vụ tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn sau năm 2010.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước nhiều nhất nước ta. Vốn đầu tư phát triển của thành phố tăng từ chỗ chiếm 5,03% tổng vốn đầu tư phát triển cả nước vào năm 1976 đến nay đã chiếm khoảng 21%. Dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, nhất là sự quá tải về cơ sở hạ tầng, dân cư đông đúc, đất đai chật hẹp, song đến nay thành phố vẫn là địa phương dẫn đầu về thu hút FDI. Tất cả đã có 3.141 dự án đầu tư FDI với số vốn gần 26 tỉ USD. Năm 2009 dù rất khó khăn, vẫn có thêm 410 dự án được cấp phép với gần 2 tỉ USD. Trong nước năm 2009 có hơn 24 ngàn doanh nghiệp được thành lập với tổng vốn đăng ký 114.763 tỉ đồng.
Nhờ nỗ lực trên mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, với trách nhiệm “vì cả nước”, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đóng góp ngân sách cho cả nước cao nhất, luôn chiếm tỉ trọng trên 30%.
Cùng với đà tăng trưởng kinh tế nhanh, mức sống vật chất của dân cư ngày càng được cải thiện và nâng cao. GDP đầu người năm 1985 đạt 586 USD, năm 2000 đạt 2000 USD và năm nay phấn đấu đạt 3000 USD.
Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển, luôn chú trọng phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa, giải quyết những vấn đề xã hội, thường xuyên cố gắng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển. Thành phố là nơi khởi xướng và thực hiện đầu tiên trong cả nước các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”; “xây dựng nhà tình nghĩa” “nhà tình thương”; “chương trình xóa đói giảm nghèo”; “xây dựng cuộc sống mới trên địa bàn dân cư”; “bảo trợ bệnh nhân nghèo”; đem lại “nụ cười cho trẻ thơ”; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng v.v… mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao cả, có sức lan tỏa mạnh, thể hiện sinh động bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà thành phố cùng cả nước đang xây dựng.
Giáo dục – đào tạo và khoa học đạt nhiều kết quả khích lệ. Qui mô đào tạo các cấp học, từ mẫu giáo, mầm non đến phổ thông, cao đẳng, đại học tăng dần qua từng năm. Năm 2002 thành phố đã hoàn thành giáo dục phổ cập bậc trung học cơ sở và đến 2009 đã hoàn thành phổ cập bậc trung học phổ thông, nâng cao mặt bằng dân trí, giảm dần khoảng cách giữa giáo dục nội thành và ngoại thành. Đầu tư cho giáo dục tăng dần (trong 5 năm vừa rồi, thành phố đã đầu tư xây dựng 4.217 phòng học với kinh phí 5.763 tỉ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với 5 năm trước). “Xã hội hóa” giáo dục các cấp học và các loại hình đào tạo được đẩy mạnh; phát triển mô hình liên kết, hợp tác đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài có chất lượng cao; phát huy vai trò của Hội Khuyến học, phát triển công tác “khuyến học”, “khuyến tài”, góp phần tích cực vào việc “xã hội hóa” giáo dục và xây dựng xã hội học tập.

Đầu tư cho giáo dục luôn được thành phố quan tâm.
Khoa học – công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội ngày càng tốt hơn. Khoa học xã hội và nhân văn tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản, cấp thiết của xã hội thành phố, tạo lập hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xác định các chủ trương, giải pháp phát triển xã hội và quản lý sự phát triển xã hội thành phố qua các giai đoạn. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỉ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học cao nhất. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý Nhà nước được hình thành và ngày càng chặt chẽ hơn; thị trường công nghệ bước đầu được tạo lập.
Đời sống văn hóa của thành phố ngày càng phong phú, đa dạng; các truyền thống của dân tộc, những giá trị tinh thần mang đặc trưng của nhân dân thành phố như tinh thần nhân ái, làm việc nghĩa, giúp đỡ người nghèo, năng động sáng tạo, luôn luôn tìm cái mới … không ngừng được phát huy. Trong những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị “xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại”, thành phố đã có nhiều giải pháp, nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, văn minh, nếp sống thị dân, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, tác phong công nghiệp; đưa lối sống văn hóa thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng khu dân cư, từng công sở, doanh nghiệp.
Vấn đề chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tiến bộ; mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe cộng đồng không ngừng được củng cố và phát triển từ nội thành đến ngoại thành. Trong những năm gần đây, thành phố chủ trương thu hút mọi nguồn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển dịch vụ y tế hướng đến y tế chất lượng cao; đa dạng hóa hệ thống bệnh viện, từ bệnh viện đa khoa, bệnh viện điều trị miễn phí cho người nghèo đến những trung tâm y tế chuyên khoa, trung tâm dịch vụ cao, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho mọi đối tượng, hạn chế phần nào tình trạng “chảy máu nội tệ” hàng năm từ 500 triệu đến 1 tỉ USD do hàng năm có hàng chục người kéo nhau sang Singapore chữa bệnh.
Các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết đồng bộ với phát triển kinh tế. Như trên đã nói, thành phố là nơi khởi đầu nhiều phong trào xã hội mang tính nhân văn cao, vừa giúp cho những đối tượng khó khăn, những nhóm yếu thế, đồng thời tạo cơ hội cho mọi người tiếp cận được với mọi dịch vụ xã hội và tham gia vào các phong trào phát triển của thành phố. Hàng năm giải quyết hàng trăm ngàn lao động có việc làm mới, nhờ vậy mà giảm được tỉ lệ thất nghiệp (ví như năm 2009 vô cùng khó khăn, thành phố vẫn giải quyết việc làm cho 270.000 người, giảm tỉ lệ thất nghiệp trong lúc bị tác động mạnh của suy thoái kinh tế toàn cầu còn 5,3%).
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khởi xướng chương trình xóa đói giảm nghèo – một chương trình mang ý nghĩa vừa cấp bách vừa chiến lược dài hạn, đã lan tỏa ra cả nước. Năm 1992, khi chương trình được khởi xướng, tiêu chuẩn nghèo là thu nhập bình quân dưới 1 triệu đồng/người/năm ở nội thành và dưới 700.000 đồng ở ngoại thành. 3 năm sau thành phố xóa được hộ đói, giảm hộ nghèo xuống 7,6%. Mấy năm sau số hộ nghèo theo tiêu chuẩn này được xóa, thành phố nâng tiêu chuẩn lên 3 triệu đồng/người/năm ở ngoại thành và 3,6 triệu đồng/người/năm ở nội thành. Đến đầu thế kỷ mới lại xóa xong hộ nghèo theo tiêu chí đó, và nâng lên cả ngoại – nội thành 6 triệu đồng/người/năm là thuộc diện nghèo. 5 năm sau thành phố đã xóa xong hộ nghèo theo tiêu chuẩn đó và hiện nay đã nâng mức thu nhập để xác định diện thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo là 12 triệu đồng/người/năm. Số hộ thuộc diện này khi đề tiêu chí mới có khoảng 14%, nay còn khoảng 8%, thành phố đang ra sức phấn đấu, thực hiện mọi giải pháp tổng hợp để 3 năm tới lại nâng mức thu nhập của các hộ diện nghèo lên. Điều đó muốn nói đời sống vật chất của người dân thành phố, trước hết là diện còn nghèo luôn được quan tâm, giải quyết.
Hơn 3 thập kỷ Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập đã trải qua những bước thăng trầm với nhiều khó khăn thử thách, có những va vấp, khuyết điểm và yếu kém, song nhìn lại kinh tế thành phố sau khi được khôi phục đã không ngừng phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao; việc chỉnh trang đô thị và phát triển các đô thị mới có nhiều tiến bộ, tạo nên dáng vẻ thành phố ngày càng khang trang hơn; các vấn đề văn hóa – xã hội luôn được chủ ý giải quyết đồng bộ với sự phát triển kinh tế; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; thành phố luôn giữ vững ổn định chính trị xã hội, kể cả trong những thời kỳ tình hình trong nước có nhiều khó khăn và thế giới có những diễn biến phức tạp, đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chung của đất nước và là điều kiện tiên quyết cho thành phố phát triển không ngừng. Thành tựu ấy thật là to lớn, có ý nghĩa lịch sử !
3/ Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu “đi trước về đích trước” trong sự nghiệp đưa nước ta thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thành tựu được tạo lập trong hơn 3 thập kỷ qua, được coi là vốn liếng quý giá, hành trang quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng tốc, củng cố và phát huy vị trí trung tâm nhiều mặt trong quan hệ với khu vực, với cả nước và giao lưu quốc tế. Trước mắt, thành phố phải tập trung sức giải quyết rốt ráo những yếu kém trong phát triển thành phố, mà trước tiên là những vấn đề có vai trò nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững và cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Đó là phải khắc phục tình trạng chậm trễ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, yếu kém về chất lượng tăng trưởng kinh tế và sức cạnh tranh của nền kinh tế; là sự phát triển kết cấu hạ tầng chậm, không đồng bộ, sự quá tải; là yếu kém về chất lượng giáo dục – đào tạo, về nguồn nhân lực, về hiệu quả xã hội của nghiên cứu khoa học công nghệ; là sự xuống cấp của văn hóa, những bức xúc của xã hội chậm được khắc phục v.v…

Đại lộ Đông - Tây đoạn nối vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương được đưa vào sử dụng, làm giảm ùn tắc giao thông.
Khắc phục những yếu kém trên đây để tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị bền vững, đậm đà bản sắc dân tộc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, thực hiện nghiêm túc Kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố là “xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, trở thành một thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại, một trung tâm lớn về mọi mặt của đất nước và có tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á”.
Thực hiện được mục tiêu đó, chắc chắn thành phố sẽ hoàn thành sứ mệnh “đi trước về đích trước” trong chặng đường đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. “Đi trước về đích trước” không hẳn quy định cụ thể về mốc thời gian, mà ở đây có ý nghĩa về chất lượng phát triển. Do vậy thành phố xác định tất cả các lĩnh vực đều phải đạt chất lượng cao. Về kinh tế phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ có tính đột phá để tạo điều kiện cho khu vực dịch vụ tăng trưởng cao; phát triển 4 ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hình thành nông nghiệp đô thị năng suất cao. Về văn hóa – xã hội, cần tạo bước chuyển căn bản về nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học – công nghệ; phát triển văn hóa theo hướng văn minh hiện đại, phấn đấu có nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; tập trung đầu tư một số môn thể thao thành tích cao; phát triển các cơ sở dịch vụ y tế hướng đến y tế chất lượng cao v.v… Muốn nâng cao chất lượng, muốn về đích trước phải có nguồn nhân lực trình độ cao, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân và đội ngũ lao động lành nghề có trình độ cao.
Sự hình thành và phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền máu thịt với lịch sử và vận mệnh của đất nước. Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là sản phẩm của cả nước. Từ ngày khẩn hoang nhọc nhằn rồi đến những năm tháng khốc liệt chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc và thống nhất, xây dựng đất nước hôm nay, bao giờ thành phố cũng là nơi hội tụ công sức, tài năng và tâm huyết của cả nước. Trong bước đường sắp tới, quy luật ấy sẽ lại được thể hiện rõ rệt, Thành phố Hồ Chí Minh lại được cả nước giúp sức, vun bồi để đạt được đỉnh cao trong sự phát triển, để rồi lại góp phần nâng tầm vóc của đất nước lên cao. Chức năng hội tụ và chức năng lan tỏa vốn có của một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội như Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được thực hiện. Văn vật từ mọi miền, tinh hoa của đất nước không ngừng được hội nhập về đây, nâng cao hơn, tôn tạo nên một tụ điểm ngày càng văn minh, rồi lại từ đây lan tỏa đến các nơi gần xa…
PGS.TS Phan Xuân Biên
Tổng Biên tập Website Thành ủy TP.Hồ Chí Minh