Mỗi năm, cứ gần đến ngày giỗ, mẹ Trần Thị Huệ lại lục tìm dưới gối bức thư cuối cùng mà con trai gửi về trước ngày ra Trường Sa, ngồi trước bàn thờ đọc. Đôi mắt trầm đục nhìn tấm di ảnh trên bàn thờ rưng rưng.
Thời gian trôi qua, xương cốt của liệt sĩ Lê Thế cùng các liệt sĩ đồng đội đã mãi hòa vào lòng biển cả quê hương. Đã 35 năm con đi xa không về, kỷ vật cuối cùng là bức thư tay của anh gửi mẹ.
Từ ngày nhận tin con nằm lại Gạc Ma, mẹ Huệ cất giấu bức thư dưới gối trong buồng ngủ. Lúc nhớ con, người mẹ ấy lại mang bức thư ra, lần từng con chữ rồi lặng lẽ khóc... Dù đã 81 tuổi nhưng từng câu, từng chữ trong bức thư, mẹ Huệ đều thuộc nằm lòng.
Mẹ Trần Thị Huệ chờ đợi con đã 35 năm |
Mẹ Huệ kể, bức thư viết vào ngày 29-2-1988. “Trong thư, thằng Thế viết: con ở Cam Ranh này chừng khoảng tuần lễ là sẽ đổi đi đảo Trường Sa. Con chỉ có mấy lời báo cho gia đình biết, mẹ và mấy em khỏi trông. Hẹn ngày trở lại đất Đà Nẵng… Hắn hẹn rứa đó mà 35 năm rồi, cứ chờ hắn miết ri đây”, mẹ Huệ lấy tay áo quệt nước mắt. Mẹ Huệ kể, mấy năm trước, đồng đội cũ ghé thăm, mẹ mang bức thư tặng cho nhà truyền thống đơn vị cũ của con trai. Trước khi tặng, mẹ photo bức thư lại một bản. Mẹ Huệ bảo: “Từng chữ trong bức thư, mẹ thuộc rồi nhưng mẹ phải lưu lại một bản để mỗi lần nhớ hắn, mẹ mang ra đọc”.
Nhắc về con trai, mẹ Huệ không cầm được nước mắt: “Chồng mẹ bị bệnh mất sớm, lúc hắn 6 tuổi. Một mình mẹ bán buôn nuôi ba đứa con. Khi thằng Thế lớn, hắn cứ đòi đăng ký đi bộ đội. Mẹ đồng ý, nhưng mắt trái của hắn bị một cục u nên khám nghĩa vụ 2 lần đều bị rớt. Lần thứ 3, hắn đến bệnh viện mổ cục u rồi về đi khám nghĩa vụ, lúc đó mới trúng tuyển”.
Khi vào quân ngũ, anh Lê Thế được đơn vị đưa đi huấn luyện và đóng quân ở nhiều nơi. Sau gần 2 năm thì chuyển vào quân cảng Cam Ranh. Anh Thế về thăm nhà lần cuối cùng vào mùng 10 tết năm 1988. Trước khi trở lại đơn vị, anh Thế dặn đi dặn lại 2 đứa em ở nhà chăm sóc mẹ, không để mẹ làm cực nhọc mà đau ốm.
Lau dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đầy nếp nhăn, mẹ Huệ nghẹn ngào: “Sau ni, mẹ nghe đồng đội hắn kể lại, sáng đó (14-3-1988), một chiếc xuồng nhỏ có 7 chiến sĩ công binh cập bãi đá Gạc Ma. Sau đó, quân Trung Quốc vây hãm, hung hăng giật cờ Việt Nam thì bị bộ đội mình giật lại. Rồi quân Trung Quốc nổ súng bắn vào sắp nhỏ, rồi bắn vào tàu. Thằng Thế con mẹ lúc đó còn đang trên tàu cùng đồng đội. Lúc nớ hắn có 22 tuổi thôi. Giờ thì 35 năm, hắn vẫn chưa về nhà…”.