31% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua "hàng hóa xanh"

Theo chia sẻ của đại diện một chuỗi siêu thị bán lẻ lớn tại Việt Nam, có khoảng 31% khách hàng sẵn sàng trả mức chi phí cao hơn để mua được sản phẩm có bao bì thân thiện môi trường. Nhưng đại diện một tập đoàn sữa lại chia sẻ, khó khăn nhất của doanh nghiệp là chi phí để sản xuất “sản phẩm xanh” lại thường cao hơn khoảng 50% so với sản phẩm thông thường.
31% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua "hàng hóa xanh"
Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại tại Hà Nội sáng 1-8

Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại tại Hà Nội sáng 1-8

Thông tin này được nêu ra tại Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại, do Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Bộ Công thương) và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC phối hợp tổ chức sáng 1-8 tại Hà Nội.

Theo ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương), thời gian qua, để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Trong đó, nhấn mạnh thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, khuyến khích phát triển nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế…

Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, phát biểu khai mạc

Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, phát biểu khai mạc

Tuy nhiên, việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững vẫn còn những hạn chế về sản xuất, phân phối sản phẩm thân thiện môi trường đến với người tiêu dùng, nhất là duy trì thói quen, hành vi tiêu dùng bền vững từ người tiêu dùng.

Khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cũng cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng khi đi mua sắm hoặc sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng rất có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.

Nghiên cứu cũng cho biết thêm, 38% người tiêu dùng đánh giá cao các sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp về việc cải thiện môi trường, kỳ vọng vào sự thành công của xu thế này.

Còn theo khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng tại Hà Nội và TPHCM của Intage Việt Nam, tiêu dùng xanh đang trở thành nhu cầu và là xu hướng tất yếu.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, người tiêu dùng bây giờ đã khác trước rất nhiều, tham gia tích cực vào xu hướng tiêu dùng xanh, chú ý nhiều hơn đến các phương thức bán lẻ hiện đại, như siêu thị, cửa hàng tiện ích, mua bán online…

Giới trẻ hưởng ứng phong trào "Tiêu dùng xanh, cùng sống lành"

Giới trẻ hưởng ứng phong trào "Tiêu dùng xanh, cùng sống lành"

Chia sẻ tại diễn đàn này, ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành Hệ thống siêu thị Go – Big C vùng Hà Nội và miền Bắc, cho biết, có khoảng 31% khách hàng sẵn sàng trả mức tiền cao hơn để mua sản phẩm đạt các tiêu chí sản phẩm xanh, sản xuất xanh, nhất là các sản phẩm có bao bì thân thiện môi trường.

“Sức tiêu thụ của sản phẩm thân thiện môi trường tốt hơn. Sự dịch chuyển trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng sẽ là động lực để thúc đẩy sản xuất bền vững”, ông Phong nói.

Ông Vijay Kumar Pandey, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH (Tập đoàn TH), chia sẻ những cách mà tập đoàn này đang cải thiện để hướng tới chuỗi giá trị sản phẩm xanh hoàn thiện, như: sử dụng cỏ tự nhiên để chăn nuôi, sử dụng tối đa ánh sáng ban ngày để tiết kiệm điện, chuyển sang sử dụng loại thìa có thể phân hủy sinh học, ngừng sử dụng các loại nguyên liệu có phát thải khí nhà kính, hạn chế túi nhựa 1 lần; tích cực làm việc với các tổ chức, đơn vị sản xuất bao bì đảm bảo tiêu chí xanh để chuyển sang túi có thể phân hủy được…

Tuy nhiên, ông Vijay Kumar Pandey cũng như đại diện nhiều đơn vị tham gia diễn đàn, phản ánh việc chuyển sang sản xuất xanh, tạo sản phẩm xanh khiến doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí khoảng 50% so với thông thường.

Tiêu dùng xanh đang trở thành xu thế của người tiêu dùng tại Hà Nội và TPHCM

Tiêu dùng xanh đang trở thành xu thế của người tiêu dùng tại Hà Nội và TPHCM

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, bài toán khó khăn với doanh nghiệp hiện nay là chi phí sản xuất sản phẩm xanh tăng lên, nhưng phải đảm bảo giá cả có thể cạnh tranh. “Mặc dù 31% khách hàng sẵn sàng trả chi phí cao hơn, nhưng cũng phải phù hợp với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng” - bà Loan nói.

Đại diện chuỗi siêu thị bán lẻ Go - Big C cũng thừa nhận, tỷ lệ người tiêu dùng đến với hệ thống bán lẻ hiện đại đang có xu hướng tăng lên, nhưng trên thực tế cũng chỉ mới chiếm khoảng 26%. Trong đó, tỷ lệ ủng hộ sản phẩm xanh cũng chỉ là thiểu số. Đồng thời, sản phẩm xanh, thân thiện môi trường của chúng ta thực tế cũng chưa nhiều.

Mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện ích hiện mới chiếm khoảng 26% tổng lượng phân phối thương mại

Mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện ích hiện mới chiếm khoảng 26% tổng lượng phân phối thương mại

Theo các chuyên gia, nếu có lực lượng đông đảo người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm xanh, sẵn sàng chấp nhận mức chi phí cao hơn thông thường, thì sản xuất xanh và tiêu dùng xanh mới phát triển được.

Điều quan trọng là cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về sản phẩm xanh, vào cuộc tích cực, bền bỉ hơn để ngày càng nhiều người tiêu dùng ủng hộ, tránh tình trạng như phong trào vận động “nói không với túi nilon, rác thải nhựa” một thời rầm rộ, xong lại trầm lắng, đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề xuất.

Tin cùng chuyên mục