Bên cạnh đó, chỉ có 24 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code (với hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code), 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet, 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động. Hiện cả nước có 26 cổng thanh toán điện tử, 27 dịch vụ ví điện tử, 9 dịch vụ chuyển tiền điện tử, 26 dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ…
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính và đảm bảo phù hợp với quy định của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, các chuyên gia tài chính đề nghị cần nới “room ngoại” cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các doanh nghiệp, với tỷ lệ 30% - 49%.
Theo thống kê, đến hết quý 1-2019, toàn thị trường chỉ có 27 ví điện tử được cấp phép; trong đó có tới 90% số lượng lẫn giao dịch nằm trong 5 công ty trung gian thanh toán lớn (có sở hữu nước ngoài từ 30% đến hơn 90%).
Do vậy, việc phát triển thị trường Fintech để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh là xu thế tất yếu nhưng phải đảm bảo tính bảo mật, an toàn cho các giao dịch tài chính, bảo vệ quyền lợi cho người dùng. Không nên vì một số trường hợp cá biệt mà áp đặt những hạn chế, ràng buộc gây cản trở cho sự phát triển, mà nên sử dụng các cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý để thực hiện xác thực người dùng dịch vụ Fintech; cho phép người dùng đăng ký các hạn mức giao dịch mềm với đơn vị cung cấp dịch vụ, nhằm đảm bảo an toàn, tiện ích cho người dùng.