Trước đó, với hiện trạng đất rừng, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đặt câu hỏi: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói diện tích rừng tại Việt Nam đã tăng từ 9 triệu ha năm 1990, lên 14,6 triệu ha rừng hiện nay. Vậy trong số đó, có bao nhiêu là rừng tự nhiên và bao nhiêu rừng trồng, bởi hai loại rừng này là hoàn toàn khác nhau về vai trò, chức năng, năng lực bảo vệ đất.
Đầu phiên thảo luận chiều 5-11, trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, 30 năm qua, Việt Nam tăng tỷ lệ rừng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha. Trong đó, riêng rừng tự nhiên hiện là 10,3 triệu ha, như vậy đã tăng 1,3 triệu ha rừng tự nhiên trong 30 năm qua.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, chất lượng rừng tự nhiên chưa được tốt. Trong tổng số 10,3 triệu ha rừng tự nhiên chỉ có 15% rừng giàu về trữ lượng, 50% rừng trung bình và 35% rừng nghèo kiệt. Vì vậy, Quốc hội yêu cầu tới đây với rừng tự nhiên phải bằng chính sách khoanh nuôi, bảo vệ tăng hơn nữa việc người dân tham gia trồng rừng, quản lý, để chăm sóc rừng đảm bảo độ giàu về đa dạng sinh học, trữ lượng cũng được tăng lên. Kể cả 4,3 triệu ha rừng trồng, tới đây phải thay đổi bằng những cây rừng lâu năm, cơ cấu hài hòa kết hợp với nhóm cây bản địa. Dự án phát triển rừng 2021-2030 tới đây sẽ được Chính phủ phê duyệt nhằm tăng tỷ lệ rừng đảm bảo chất lượng.
Sau phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) phát biểu bày tỏ nghi ngờ con số 14,6 triệu ha rừng, bởi theo ĐB, rừng tự nhiên tăng lên trong khi đó năm nào Quốc hội cũng phải xem xét dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, chuyển rừng đầu nguồn, phòng hộ (rừng tự nhiên) sang mục đích khác, “có gì đó sai sai”. ĐB hỏi phải chăng cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng? Trong khi cây cao su hút O2, thải ra CO2, không con gì có thể sống được trong rừng cao su. Vì thế, ĐB đề nghị cần nghiên cứu lại các dự án phải điều chỉnh diện tích rừng tự nhiên.
Trong phần tranh luận của mình, ĐB Ksor H'Bơ Khăp cũng cho rằng phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời là "chưa làm đúng trách nhiệm của mình". Theo ĐB, Bộ trưởng không thể đổ cho địa phương, cũng không thể nói rằng có quy định của luật về việc xử lý, hoặc là chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời.
“Người dân đang cần người đứng đầu ngành công thương phải đưa ra được phương án gì đối với vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời. Hiện nay cán bộ và nhân dân địa phương rất hoang mang với những vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời. Sau này, pin đó hết hạn sử dụng thì để làm gì? Những tấm pin đó được xử lý thế nào?”, ĐB Ksor H'Bơ Khăp thẳng thắn đặt câu hỏi. |