30 năm dấu chân tình nguyện - Bài 1: Sức sống từ những mô hình

Qua 30 mùa chiến dịch tình nguyện hè, hàng ngàn công trình, phần việc mang dấu ấn của tuổi trẻ TPHCM đã được hình thành tại nhiều địa phương trong cả nước. Có những công trình đã hơn 20 năm tuổi nhưng vẫn nguyên giá trị.
Chiến sĩ tình nguyện cải tạo cảnh quan kênh rạch. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chiến sĩ tình nguyện cải tạo cảnh quan kênh rạch. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ở dân thương, đi dân nhớ

Nói đến truyền thống các hoạt động tình nguyện hè, không thể không kể đến sức trẻ Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM. Những nơi chiến sĩ tình nguyện Trường Đại học Bách khoa đi qua đã mọc lên những cây cầu, trường học, con đường, nhà tình thương, nhà văn hóa…

Năm nay, Trường Đại học Bách khoa TPHCM ra quân với 450 chiến sĩ tham gia tình nguyện tại 8 xã của huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Cuối tháng 7-2023, theo đoàn lãnh đạo TPHCM đến thăm 47 chiến sĩ Mùa hè xanh tham gia thực hiện bê tông hóa đường nội đồng cầu Cả Vàng bờ Tây kênh Tân Thành và đường nội đồng từ cầu Việt Thược đến cuối tuyến dài gần 840m (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) chúng tôi mới thấu được sự vất vả, khó khăn của bà con nơi đây. Chịu cảnh nhiều năm phải đi lại trên con đường chỉ có bùn và đất, bà Nguyễn Thị Quất ngán ngẩm: “Mỗi lần mưa xuống là sình lầy trơn trượt, đi lại vô cùng khó khăn. Mùa mưa là đám nhỏ chỉ ru rú trong nhà, không dám ra đường. Nhưng tội nhất là mấy cháu học sinh, có bữa đến trường mà quần áo lấm lem bùn đất”. Thiếu kinh phí làm đường, bà con chỉ biết đổ cát cho đỡ trơn trượt nhưng rồi đến mùa nắng ráo, con đường lại nổi bụi mịt mù. Đầu tháng 7-2023, hay tin có đoàn sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh từ TPHCM đến làm đường bê tông, bà con ai cũng vui mừng.

Sau 23 ngày miệt mài thi công, ước mơ bê tông hóa con đường bờ Tây kênh Tân Thành của người dân xã Tân Hộ Cơ bao lâu nay đã thành hiện thực. Nhìn con đường bê tông mới rồi hướng mắt đến các chiến sĩ tình nguyện, bà Nguyễn Thị Quất không giấu được xúc động: “Thương các con lắm. Các con đến làm đường không lấy đồng nào mà ai cũng rất nhiệt tình. Sáng sớm đã thấy tụi nhỏ lụi hụi bưng đất, bưng đá. Có hôm 6-7 giờ tối còn thấy rọi đèn xe để làm, bà con đây ai cũng xót. Giờ các con làm xong kéo về thành phố, ai cũng buồn vì nhớ các con”…

Công trình bê tông hóa đường nội đồng cầu Cả Vàng bờ Tây kênh Tân Thành và đường nội đồng từ cầu Việt Thược đến cuối tuyến là tâm huyết của 47 chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Trong đoàn, có nhiều chiến sĩ chỉ mới là sinh viên năm nhất, lần đầu “xung trận” nhưng qua chiến dịch, ai cũng đã trưởng thành hơn.

Không chỉ đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện tại các tỉnh, thành phố, năm nay, Thành đoàn TPHCM tiếp tục hướng hoạt động đến các vùng biển đảo của Tổ quốc. Những ngày tháng 6, tháng 7, huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) ngập tràn sắc áo đỏ, áo xanh của các chiến sĩ tình nguyện Kỳ nghỉ hồng và Mùa hè xanh đến từ TPHCM.

Các chiến sĩ trao tặng thùng đựng nước cho bà con huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: THẢO LÊ

Các chiến sĩ trao tặng thùng đựng nước cho bà con huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: THẢO LÊ

Sau dịch Covid-19, hoạt động du lịch tại huyện đảo Phú Quý bắt đầu nhộn nhịp. Nhận thấy cột mốc chủ quyền trên đảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, được nhiều du khách đến tham quan nhưng vẫn chưa có hệ thống chiếu sáng, các chiến sĩ tình nguyện đã lắp đặt 4 đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời tại cột mốc và 16 đèn dọc lối vào. Mặc cho thời tiết huyện đảo Phú Quý diễn biến thất thường, nắng gắt làm cháy da, cháy thịt rồi những cơn mưa xối xả bất ngờ ập đến, các chiến sĩ tình nguyện vẫn quyết tâm hoàn thành sớm các tuyến công trình đã đề ra.

Gần 3 tuần hoạt động, các chiến sĩ đã hoàn thành đường cờ Tổ quốc tại 2 tuyến đường Nguyễn Thông và Lê Lai, xã Long Hải; chỉnh trang phòng đọc sách thiếu nhi và xây dựng 2 bồn rửa tay chân tại Trường Tiểu học Long Hải; thăm và tặng quà gia đình chính sách, trao học bổng cho các em học sinh tiểu học trên địa bàn xã cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Những dấu ấn không phai

Theo dấu chân các chiến sĩ tình nguyện, phóng viên tìm đến cây cầu U tại ấp Linh Qui, xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cầu U là một trong những công trình tự hào của tuổi trẻ Trường Đại học Bách khoa TPHCM khi nhắc về truyền thống 30 năm tình nguyện.

Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, phóng viên tìm đến cây cầu 20 năm tuổi nằm sâu trong những rặng dừa. Nếu không được ông Lê Văn Nhân (nguyên Chủ tịch UBND xã Long Mỹ) kể lại câu chuyện của 20 năm trước, khó mà tin được rằng cây cầu dài 70m, rộng 2,2m này từng là công trình lớn nhất huyện Giồng Trôm, mở ra bước ngoặt cho bà con xã Long Mỹ trong lưu thông đi lại, giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lê Văn Nhân cho biết, trước đây, khi chưa có cây cầu U, người dân qua sông bằng một chiếc cầu bê tông tạm chật hẹp, chỉ đủ lọt xe 2 bánh. Thời điểm đó, người dân trong ấp chủ yếu trồng cây ăn quả, đi lại khó khăn nên thường xuyên bị thương lái ép giá. Thấy được khó khăn của người dân, năm 2003, gần 50 chiến sĩ tình nguyện của Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã đến đóng quân tại ấp, quyết tâm làm cầu cho xe 4 bánh lưu thông để người dân vận chuyển nông sản.

“Thời điểm đó, các chiến sĩ tình nguyện đặt mục tiêu trong vòng một tháng phải hoàn thành cây cầu, vì vậy làm ngày làm đêm, có đêm làm đến 9-10 giờ. Những ngày đó, ấp Linh Qui vui lắm, dù làm công trình mệt nhọc nhưng đêm nào các chiến sĩ cũng ca hát”, ông Nhân nhớ lại.

Các chiến sĩ tình nguyện tham gia xây dựng cầu U (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) năm 2003. Ảnh: Tư liệu Thành đoàn TPHCM

Các chiến sĩ tình nguyện tham gia xây dựng cầu U (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) năm 2003. Ảnh: Tư liệu Thành đoàn TPHCM

Nhờ tinh thần xung kích mà chưa đầy một tháng, cây cầu U đã được khánh thành trước sự vui mừng của bà con địa phương. Cầu U dù đã trải qua 20 năm nhưng vẫn vững chắc, là công trình giao thông quan trọng của địa phương. Bảng tên cầu đã cũ nhưng vẫn hiện rõ dòng chữ “Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2003, Công trình Thanh niên Cầu U, Trường Đại học Bách khoa TPHCM”, như một trong những minh chứng về tuổi trẻ thành phố mang tên Bác đầy xung kích, năng động, sáng tạo.

Tổng hợp: THẢO LÊ - Đồ họa: NGỌC TRÂM

Tổng hợp: THẢO LÊ - Đồ họa: NGỌC TRÂM

Chất chứa những tình thương

Bà Lê Thị Bông (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM) chia sẻ, 30 mùa hè qua, mỗi mùa hè là một kỷ niệm đáng nhớ của bà và gia đình với các chiến sĩ tình nguyện. Trong những ngày hè ấy, gia đình bà luôn rộn rã tiếng cười và đầy ắp tình yêu thương. Các bạn trẻ đã tình nguyện xa gia đình để đến giúp địa phương xây dựng thôn ấp khang trang, giúp các gia đình khó khăn sửa lại nhà, giúp nhiều trẻ được xóa mù chữ trong dịp hè. Bà cũng nhớ những giọt mồ hôi của các bạn ướt đẫm lưng áo xanh để những con đường nông thôn được bê tông hóa, giúp người dân đi lại dễ dàng. Vì thế, bà xem chiến sĩ tình nguyện đang ở cùng gia đình mình như con cháu trong nhà.

Cuộc chia tay đầy cảm xúc của một gia đình nuôi quân tại tỉnh Trà Vinh với các chiến sĩ tình nguyện. Ảnh: Tư liệu của Thành đoàn TPHCM
Cuộc chia tay đầy cảm xúc của một gia đình nuôi quân tại tỉnh Trà Vinh với các chiến sĩ tình nguyện. Ảnh: Tư liệu của Thành đoàn TPHCM

Tại buổi gặp gỡ, tri ân các gia đình nuôi quân và các tổ chức, đơn vị đồng hành, phối hợp trong các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên TPHCM suốt 30 năm qua do Thành đoàn TPHCM tổ chức đầu tháng 8, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TPHCM Ngô Minh Hải nhấn mạnh: Tình cảm của các ba, má và gia đình nuôi quân đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin đến các chiến sĩ, giúp các chiến sĩ tình nguyện phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, kiên trì đổi mới, xung kích thực hiện các công trình, phần việc. Nhờ đó đã góp phần làm nên thành công của các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thành phố suốt 30 năm qua.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục