Chiều 24-7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tổng kết đợt cao điểm vận động toàn dân đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017).
Báo cáo của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho thấy, hưởng ứng lời kêu gọi của mặt trận Trung ương, nhiều tỉnh thành phố đã ra lời kêu gọi vận động nhân dân đền ơn đáp nghĩa; chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tập trung giải quyết những đơn thư khiếu nại, vướng mắc về thực hiện chính sách đối với người có công; tập trung rà soát, vận động nhận đỡ đầu, giúp đỡ để không có trường hợp gia đình chính sách khó khăn nào không có tổ chức đoàn thể giúp đỡ…
Kết quả, sau 3 tháng triển khai, theo tổng hợp bước đầu của 46 tỉnh, thành phố, quỹ đền ơn đáp nghĩa đền đã nhận được 197 tỷ 759 triệu đồng, trong đó quỹ ở Trung ương 3 tỷ 657 triệu đồng; cấp tỉnh 87 tỷ 261 triệu đồng; cấp huyện 87 tỷ 997 triệu đồng; cấp xã 18 tỷ 844 triệu đồng. Đã xây mới và sửa chữa 18.958 căn nhà tình nghĩa trị giá 736 tỷ 358 triệu đồng; trao 207.982 suất quà với trị giá gần 122 tỷ đồng.
Đây là những hành động ý nghĩa thể hiện tình cảm, trách nhiệm của thế hệ đi sau với lớp người đi trước; là dịp vun đắp truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta.
Nhân dịp này, Ban quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa đã thống nhất quyết định phân bổ từ quỹ trung ương để hỗ trợ xây 70 nhà mới cho 70 hộ gia đình chính sách của 14 tỉnh trị giá 2,8 tỷ đồng. Các tổ chức chính trị xã hội, các bộ ngành, địa phương đều có rất nhiều chương trình, hoạt động đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, thiết thực.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ sự khâm phục và tự hào về các thương binh, bệnh binh. Các thương bệnh binh tuy mang thương tật trên mình nhưng cùng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân đã không ngừng phấn đấu vươn lên nối tiếp truyền thống anh hùng trong học tập, công tác, lao động sản xuất, vượt lên thương tật, bệnh tật, tiếp tục lao động sáng tạo, năng động, nâng cao đời sống gia đình và góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
“Chúng ta cũng vô cùng xúc động đối với các thân nhân liệt sĩ đã vượt qua mất mát, mặc dù tuổi cao, sức yếu vẫn tần tảo một nắng, hai sương nêu gương sáng cho thế hệ con cháu. Nhiều đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và con, em họ đã vươn lên trong cuộc sống. Nhiều anh, chị, em đã thành đạt trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ, thực sự là công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Vẫn theo Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, trong những năm qua, hệ thống cơ chế chính sách ưu đãi đối với người có công do nhà nước ban hành đã có tác động to lớn, sâu rộng về chính trị, xã hội, được toàn dân, toàn quân hưởng ứng, trở thành tình cảm thiêng liêng trong đời sống xã hội. Nhưng đến nay vẫn còn nhiều trường hợp gặp khó khăn trong cuộc sống, vẫn còn những người cha, người mẹ liệt sĩ tuổi cao, sức yếu, không còn nơi nương tựa; còn những thương bệnh binh phải nằm liệt giường, khi trái gió, trở trời, vết thương tái phát phải gồng mình chống đỡ với thương tật; có nhiều nhà ở của một số gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng vẫn chưa đảm bảo hoặc còn nhiều ưu tư về công ăn, việc làm của con cái. Điều đó đặt ra cho các ngành, các cấp và cả cộng đồng trách nhiệm cần chăm lo cho họ.
Từ kết quả vận động được trong 3 tháng cao điểm đền ơn đáp nghĩa, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Ban quản lý quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp tiến hành công khai kết quả, phân bổ kịp thời, đúng quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu của đợt vận động đã đề ra là không để một thương binh nào cần xe lăn mà không có xe lăn. Các con liệt sĩ và thương binh nặng chưa có việc làm đều được giúp đỡ phù hợp. Thêm nhiều căn nhà được xây mới hoặc sửa chữa cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam và gia đình chính sách.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, từng địa phương cần quan tâm mở rộng phong trào xã, phường làm tốt công tác thương binh - Liệt sĩ và người có công. Phấn đấu 100% các xã, phường được công nhận là xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ; 100% các gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình so với nhân dân địa phương nơi cư trú.
“Bác Hồ đã căn dặn thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ. Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước và chế độ, góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.