3 phân kỳ đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội

UBND TP Hà Nội vừa xin ý kiến Bộ GTVT về nội dung dự thảo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị thủ đô, sau khi đã tiếp thu ý kiến tham gia đơn vị chuyên môn thuộc Bộ GTVT, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội đi vào vận hành
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội đi vào vận hành

Tại dự thảo, UBND TP Hà Nội coi đường sắt đô thị đóng vai trò là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng GTVT, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.

Mục tiêu của đề án là xây dựng kế hoạch phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư, phương án huy động nguồn vốn đến năm 2035 để hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị thủ đô theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo đó, đến năm 2030, UBND TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km đường sắt đô thị, khổ đường đôi 1.435 mm và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301 km, với sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 14,6 tỷ USD. Nếu hoàn thành mục tiêu này, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 7-8% lượng hành khách công cộng .

Đến năm 2035, UBND TP Hà Nội hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km đường sắt đô thị, khổ đường đôi 1.435 mm, sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 22,57 tỷ USD. Nếu hoàn thành mục tiêu này, sau năm 2035, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng.

Đến năm 2045, UBND TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng 206,1 km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435 mm được điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt.

Theo UBND TP Hà Nội đánh giá, phương án này có thể đáp ứng được mục tiêu về thị phần vận tải hành khách công cộng 50-55%, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông nội đô.

Tuy nhiên, phương án có nhược điểm là khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn, đòi hỏi phải ưu tiên tập trung nguồn lực rất cao. Bên cạnh đó, phương án này có nhu cầu vốn lớn, thời gian thu xếp ngắn, nên sẽ gặp khó khăn trong việc huy động, bố trí nguồn vốn đầu tư; chi phí vận hành, bảo dưỡng... gây áp lực lên ngân sách sau khi đưa toàn bộ mạng lưới vào khai thác.

Tin cùng chuyên mục