Qua khai thác tiền sử từ người nhà bệnh nhân, trước đó, chị Bàn Thị N. (ở Hà Giang) đi rừng hái nấm về cho cả nhà ăn. Bữa cơm gồm có 5 người ăn (3 người lớn và 2 trẻ nhỏ, một cháu 3 tuổi và một cháu 5 tuổi). Đến sáng hôm sau, các thành viên trong gia đình xuất hiện đau bụng, nôn mửa, mệt mỏi nên được đưa tới bệnh viện. Tuy nhiên, một cháu nhỏ bị ngộ độc nặng đã tử vong và cháu còn lại nhẹ hơn đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang. Còn 3 người lớn được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Trung tâm Chống độc đang chăm sóc cho bệnh nhân ngộ độc nấm ở Hà Giang |
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, 3 bệnh nhân nhập viện gồm cha mẹ và bác của hai cháu nhỏ. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan cấp, chỉ số men gan cao gấp 200 lần bình thường, rối loạn đông máu, mạch rất chậm, ảnh hưởng đến huyết động. Đồng thời cả 3 bệnh nhân còn có biểu hiện suy thận, hậu quả của tình trạng suy gan rất nặng nề, đã phải đặt ống nội khí quản, lọc máu hấp phụ. Mặc dù các bệnh nhân được theo dõi, điều trị tích cực, thay huyết tương 2 lần 1 ngày và nhiều phương pháp hỗ trợ khác nhưng tình trạng bệnh nhân cải thiện rất chậm, đã rơi vào trạng thái hôn mê gan, tiên lượng rất nặng và 2 bệnh nhân đã tử vong đêm ngày 19-7. Hiện chỉ còn bệnh nhân Bàn Thị N. tiến triển tốt hơn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm, ngộ độc nấm chia làm 2 loại, ngộ độc nhanh và ngộ độc chậm. Loại ngộ độc nhanh là sau khi ăn đến dưới 6 giờ đã xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài... Với những loại nấm gây ngộ độc nhanh, các cơ sở y tế tại tuyến dưới vẫn kiểm soát điều trị tốt, bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh. Tuy nhiên nguy hiểm hơn là các loại nấm gây ngộ độc chậm, phổ biến hiện nay là các loại nấm chứa độc tố amatoxin gây tổn thương gan, suy gan. Sau khi ăn độc tố biểu hiện chậm, sau quá 6 giờ, thậm chí 24 giờ sau mới có biểu hiện, lúc đó độc tố đã ngấm vào hết trong cơ thể. Phát hiện ngộ độc muộn, độc tố có độc tính càng cao, nên khi điều trị bệnh nhân rất khó và phức tạp.