UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 – 2030.
Đề án đã tổ chức khảo sát với quy mô 12.869 phiếu đối với công chức và 76.601 phiếu đối với viên chức trên địa bàn TPHCM, nhằm thu thập thông tin về quan điểm, cảm nhận và thái độ của đội ngũ công chức, viên chức đối với nền công vụ TPHCM.
Kết quả khảo sát công chức cho thấy, áp lực công việc đang đè nặng lên các công chức, ảnh hưởng đến sự gắn bó và động lực phụng sự cho khu vực công. Hơn 75% công chức đánh giá khối lượng công việc ở mức nhiều hoặc rất nhiều. Một tỷ lệ khá cao (hơn 43%) công chức sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại khi có cơ hội phù hợp.
Có 3 lý do nổi bật khi công chức lựa chọn rời bỏ công việc, gồm: thu nhập quá thấp, công việc quá áp lực và không có cơ hội thăng tiến.
Có đến 80,48% công chức ở phường, xã, thị trấn đánh giá khối lượng công việc ở mức “nhiều” và “rất nhiều”.
Khảo sát cho thấy ở phường, xã, thị trấn có mức thu nhập thấp nhất, khối lượng công việc nhiều, có tỷ lệ hài lòng đối với công việc đồng thời tỷ lệ sẵn sàng thay đổi công việc cao nhất. Vấn đề về thiếu nhân lực cũng thể hiện rõ nét ở cấp cơ sở. Chế độ tiền lương là một vấn đề lớn, mức thu nhập quá thấp là một trong những lý do hàng đầu cho việc sẵn sàng thay đổi công việc của công chức khi có cơ hội.
Kết quả khảo sát viên chức cũng cho thấy nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu nhân lực; đa số đánh giá thu nhập chưa xứng kết quả công việc, thu nhập của viên chức phân bố chủ yếu ở mức trung bình. Chỉ xấp xỉ 50% viên chức cho rằng thu nhập ở khu vực công là hợp lý trên các khía cạnh được xem xét.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, TPHCM nhận diện đúng vấn đề và từng bước khắc phục những hạn chế, tồn tại ở 3 yếu tố của nền công vụ gồm năng lực, động lực và môi trường; ưu tiên cải thiện các yếu tố liên quan trực tiếp đến đội ngũ công chức, viên chức.
Đồng thời, phát huy sự đổi mới của đội ngũ công chức, viên chức thành phố nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn của thành phố.
Giai đoạn 2026 – 2030, TPHCM tập trung hoàn thiện, cải cách mạnh mẽ và toàn diện về thể chế và tổ chức bộ máy chính quyền đô thị. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo chất lượng, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả; ngang tầm nhiệm vụ chính trị và đáp ứng mục tiêu “muốn làm, làm được, được làm”.
Thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên, nhân sĩ, trí thức, người lao động tham gia làm việc trong khu vực công. Mở rộng và phát triển kết nối với các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp; các tổ chức, trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước.
Đồng thời, nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc và chất lượng sản phẩm đầu ra. Gắn kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng người đứng đầu cơ quan, đơn vị với trách nhiệm của người đứng đầu
Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng thực chất theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, thực thi công vụ theo từng vị trí, chức danh trong bộ máy Nhà nước.
TPHCM cũng nghiên cứu xây dựng chính sách về hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM và các đối tượng theo các chương trình, đề án của Thành ủy, UBND TPHCM.
Song song đó, đẩy mạnh điều động, luân chuyển để đào tạo đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế, đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu thực hiện tốt chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Về chế độ, chính sách đãi ngộ
TPHCM thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ về nhà ở. Trong đó, điều tra, khảo sát, đánh giá kỹ nhu cầu của đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức: về khả năng tài chính; nhu cầu mua, thuê mua hay thuê nhà ở xã hội; diện tích căn hộ; vị trí nhà ở để thuận tiện công tác... để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội cho phù hợp.
Bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn tiền thu được từ việc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền để đẩy mạnh việc đầu tư công đối với các dự án nhà ở xã hội để tạo nguồn nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước ưu tiên cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Ưu tiên các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu cấp thiết về nơi ở, các trường hợp có nhiều đóng góp, thành tích nổi bật trong hoạt động công vụ, có năng lực, trình độ chuyên môn cao nhằm khích lệ, động viên vượt qua khó khăn, tiếp tục gắn bó, công tác lâu dài trong bộ máy Nhà nước.
Thành phố nghiên cứu xây dựng Kế hoạch về phát triển nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức. Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ mua nhà ở thương mại (đối với những trường hợp có đủ điều kiện về thu nhập, khả năng chi trả) thuộc phân khúc trung bình trở xuống. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ thu nhập cho đội ngũ công chức, viên chức…